Để tới năm 2050 có thể trở thành quốc gia phát triển bền vững, thịnh vượng, ngoài việc phải duy trì tốc độ tăng trưởng, Việt Nam và các nước khu vực châu Á cần phải giải quyết được 2 bài toán lớn: sức ép đô thị hóa và tham nhũng.
Đây là 2 vấn đề lớn được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cùng Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Tài chính các quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… chia sẻ trong phiên họp Hội nghị Thống đốc châu Á ngày 4.5 (nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á lần thứ 44) tại Hà Nội. Tăng trưởng bền vững, thịnh vượng theo dự thảo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là đến 2050, GDP của khu vực châu Á sẽ đạt 148,000 tỉ USD, chiếm 51% sản lượng toàn cầu. Theo cơ sở sức mua tương đương, GDP theo đầu người tại châu Á sẽ lên tới 38,600 USD, so với mức dự kiến trung bình năm 2050 của thế giới là 36,600 USD.
TP.HCM là nơi có tốc độ đô thị hóa cao hàng đầu tại VN - Ảnh: D.Đ.Minh |
Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên, Việt Nam và các nước châu Á ngoài việc phải đảm bảo tăng trưởng thông qua những tiến bộ về kỹ thuật, tích lũy vốn, nâng cao chất lượng lao động, cuộc cách mạng thông tin… còn phải giải quyết được sức ép đô thị hóa và nạn tham nhũng.
An sinh xã hội cho nông dân
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép đô thị hóa khá nhanh. Trong đó, vấn đề lớn đặt ra là phải đảm bảo cuộc sống cho những người nông dân bị mất đất, đảm bảo an sinh xã hội người nông dân di chuyển từ nông thôn lên thành thị.
Với kinh nghiệm của một quốc gia đi trước, ông Motoyuki Odachi - Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản - chia sẻ giải quyết đô thị hóa phải giảm khí thải, giảm ách tắc giao thông thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. “Từ 100 năm trước, Nhật Bản đã có một công ty xây dựng tuyến đường sắt đô thị chạy dọc theo các khu chung cư giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân” - ông Odachi dẫn chứng, và nói thêm, cần đầu tư mạnh vào hạ tầng, đặc biệt đường sắt bằng cách sử dụng nguồn vốn, nguồn lực tư nhân phối hợp với nhà nước theo mô hình công - tư (PPP).
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee, quốc gia này đang cần 3,000 tỉ USD để đầu tư vào hạ tầng, một nửa trong số đó phải trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài. Để giảm sức ép đô thị hóa, kinh nghiệm từ Ấn Độ không gì bằng hãm lại sự dịch chuyển từ khu vực nông thôn ra thành thị. Muốn vậy, phải đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động để tăng năng suất, cung cấp các dịch vụ tiện ích về khu vực nông thôn.
“Khối u” tham nhũng
Theo các diễn giả, để đảm bảo phát triển thịnh vượng, các quốc gia cũng cần giải quyết được vấn nạn tham nhũng. Ông Pranab Mukherjee cho biết tham nhũng đã và đang trở thành vấn đề lớn cản trở sự phát triển bền vững của Ấn Độ. Vừa qua, nước này đã cải cách hệ thống quản trị công, cải cách bộ máy chống tham nhũng sau khi một công dân 72 tuổi kêu gọi khoảng 5 triệu người cùng tham gia yêu cầu cải cách. Theo ông Mukherjee, Ủy ban Chống tham nhũng của Ấn Độ được thành lập từ 1921, nay thay đổi hướng tiếp cận bằng cách nhận mọi đơn tố cáo, đơn kiện của người dân về bộ máy hành chính, kể cả các bộ trưởng. Các đơn kiện, tố cáo sẽ được Ủy ban trình lên tổng thống xử lý trực tiếp không phải chờ để đưa ra Quốc hội.
Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Lý Dũng coi tham nhũng là một khối u, thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế và cần phải có chính sách mới, bộ luật mới để tăng cường giám sát. “Nhiều quan chức của Trung Quốc đã bị giáng chức, bãi nhiệm, thậm chí bị xử lý. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng Luật Chống tham nhũng theo hướng ngày càng mạnh mẽ hơn”, ông Lý nói.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho biết một quốc gia thịnh vượng phải đạt được sự phát triển bền vững, toàn diện. Để đạt tăng trưởng toàn diện, các quốc gia phải trao quyền cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, cải cách hệ thống.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên