Giải quyết ngay việc tách thửa đất ở

Cập nhật 20/01/2016 08:51

Trước phản ứng của người dân về việc hạn chế tách thửa để kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết nếu là đất ở sẽ được giải quyết tách thửa và cho mua bán bình thường, chỉ có đất nông nghiệp mới hạn chế.

Tách thửa đất ở vẫn được giải quyết - Ảnh: Đình Sơn

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, ông Thắng giải thích: Hiện nay tình hình giải quyết tách thửa trên địa bàn TP theo Quyết định 33 rất chặt chẽ. Nhưng trong quá trình thực hiện có tình trạng cán bộ, công chức chưa hiểu đúng hoặc cố tình hiểu sai nội dung của Quyết định số 33 dẫn đến việc có trường hợp từ chối giải quyết nhu cầu tách thửa chính đáng, đúng pháp luật của người dân, từ đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây trở ngại cho sản xuất, ổn định đời sống của người dân và quản lý về quy hoạch, sử dụng đất đai. Trên tinh thần đó, TP chỉ đạo, chấn chỉnh lại việc thực hiện theo Quyết định 33 là phải xem xét giải quyết nhu cầu của người dân nhanh chóng, nếu diện tích tách thửa đảm bảo, hạ tầng đảm bảo thì phải giải quyết cho người dân. Thứ hai, khi giải quyết phải dựa vào kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch, trường hợp nếu khu đất không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch 1/2.000 đã được phê duyệt thì không giải quyết. Thứ ba là khi làm cái này các khu đất nông nghiệp lớn đưa vào kế hoạch sử dụng đất để làm dự án lớn tránh tình trạng người ta phân chia nhỏ, không làm dự án để sau đó không có hạ tầng kỹ thuật, không có hạ tầng xã hội, phát triển không đồng bộ.
* Như vậy đất nông nghiệp sẽ bị hạn chế việc tách thửa và phân lô bán nền?

- Đúng vậy. Hằng năm các địa phương lập kế hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển khu đô thị mới. Bởi Quyết định 33 chỉ giải quyết cho việc tách thửa đất ở. Còn đất nông nghiệp, khi đã chuyển sang đất ở hết rồi, nếu hợp quy hoạch, làm hạ tầng hoàn chỉnh và phù hợp với diện tích tối thiểu để tách thửa thì phải giải quyết cho người dân. Khi đó, người dân muốn cho tặng hay mua bán gì cũng được. Chúng tôi chỉ hạn chế việc lợi dụng Quyết định 33 để tách thửa đất nông nghiệp, kinh doanh bất động sản. Chứ đã là đất ở rồi, đã thỏa mãn các điều kiện thì không ai ngăn cản tách thửa để mua bán cả. Anh đang nghèo khổ có thể tách đất ra cho con và bán một phần để trang trải cuộc sống, để giải quyết những khu đất ở nhỏ. Còn đất nông nghiệp phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất của quận, huyện. Nếu khu đất đó có kế hoạch là sử dụng vào đất ở đô thị thì được tách thửa, kinh doanh còn ngược lại sẽ không được. Bởi khi đất nông nghiệp được chuyển lên đất ở làm dự án chỉ sử dụng 40% diện tích, phần còn lại sẽ làm hạ tầng, công viên, cấp nước, trường học...

* Vậy để hạn chế tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp, dẫn đến tình trạng nhà “4 chung”, TP sẽ phải làm gì?

- Việc quản lý và sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp, Sở đề nghị UBND quận, huyện căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp để xem xét giải quyết nhu cầu của người sử dụng đất. Theo đó, căn cứ để giải quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện được duyệt. Việc cấp phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng. Khi cấp phép chúng ta sẽ biết được khu vực nào làm phân lô bán nền không đúng quy hoạch, không đúng như quy định tách thửa để có hướng xử lý riêng. Còn nếu đất nông nghiệp nằm trong khu vực đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương sẽ được cho làm dự án, tách thửa đất, làm hạ tầng bài bản.

* Vậy Sở đã làm gì để chấm dứt tình trạng các địa phương làm khó người dân trong việc tách thửa đất, chuyển nhượng mua bán?
- Sở đã đề nghị các quận, huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, cán bộ công chứng trực tiếp giải quyết tách thửa phải nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng quy định về tách thửa theo Quyết định 33. Trước mắt, tập trung kiểm tra rà soát giải quyết ngay đối với trường hợp đủ điều kiện tách thửa, có nhu cầu chính đáng, tránh gây khó làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Bên cạnh, Sở cũng đề nghị các quận, huyện rà soát tổng hợp các trường hợp đã xử lý. Từ đó đánh giá nhu cầu thực sự của người sử dụng đất, tính chất, mức độ vi phạm nếu có và đề xuất biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát công tác quản lý tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn, ngăn chặn xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không đúng quy định.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên