Giải quyết bài toán đất nông nghiệp: “Cần giữ một diện tích bất khả xâm phạm”

Cập nhật 07/05/2008 09:00

Theo dự kiến, tại kỳ hợp thứ 3, Quốc hội khóa XII, an ninh lương thực và quy hoạch đất cho nông nghiệp sẽ được coi là vấn đề nóng trong các phiên chất vấn của Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ. Trước thềm kỳ họp, PGS TS Nguyễn Trí Hoàn - Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm - đã chia sẻ với DĐDN quan điểm của mình về vấn đề này. Ông Nguyễn Trí Hoàn khẳng định: “Cần đưa ra bản đồ diện tích lúa trình Quốc hội và coi đó là vùng bất khả xâm phạm” để đảm bảo an ninh lương thực...

* Thưa ông, ông có thể cho biết Việt Nam hiện còn bao nhiêu diện tích đất trồng lúa?

Các thống kê trước đây của Bộ TNMT cho thấy, chỉ trong vòng 5 năm (2001-2005) diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển sang mục đích khác lên tới trên 366 nghìn ha, chiếm 3,9% tổng đất nông nghiệp đang sử dụng.

Chúng ta vẫn nói diện tích trồng lúa trước đây của cả nước là 4,3 triệu ha nhưng với sức tấn công của các khu công nghiệp và đô thị hóa trong vài năm gần đây, diện tích trồng lúa thực tế có thể chỉ còn dưới 4 triệu ha hoặc 3,8 triệu ha.

* Như vậy, diện tích đất dành cho trồng lúa đã có sự sụt giảm đáng kể. Về lâu dài liệu số đất còn lại có đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, thưa ông?

Theo tôi, với diện tích trồng lúa khoảng 4 triệu ha và sản lượng hàng năm đạt trên 36 triệu tấn, nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực chưa quá nặng nề. Hơn nữa năng suất lúa trung bình trên cả nước từ 5 tấn/ha như hiện nay có thể tăng lên trên 6 tấn/ha nhờ các giống lúa lai chất lượng cao, giúp nâng tổng sản lượng gạo cả nước lên mức 40 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, sản lượng này mới chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho dân số ở mức 100 triệu người trong khi theo các tính toán, dân số ổn định của nước ta về lâu dài sẽ khoảng 120 triệu người. Chưa tính đến những năm mất mùa, diện tích trồng lúa không được giữ ổn định sẽ đe dọa nghiêm trọng mục tiêu an ninh lương thực trong nước. Như vậy, chúng ta cần phải tính toán thật kỹ các phương án để đảm bảo về lâu dài.


* Thế nhưng, dường như nhiều địa phương vẫn đang bỏ qua các cảnh báo này để phát triển trước mắt bằng việc dành đất nông nghiệp cho kêu gọi đầu tư các khu công nghiệp?

Trong các năm trước đây một loạt địa phương ồ ạt chạy đua trải thảm đỏ mời gọi DN đầu tư vào các khu công nghiệp khiến tốc độ mất ruộng lúa nhanh đến chóng mặt. Có thể liệt kê ra đây như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh hay Hà Tây. Các khu công nghiệp có thể mọc lên khắp nơi, bất cứ chỗ nào đặc biệt tại các khu vực ven đường lớn và bất chấp đó là đất trồng lúa màu mỡ. Theo tôi, đây là điều cần phải xem lại.

* Như vậy đây lại là bài toán cân đối giữa lợi ích kinh tế trước mắt và an ninh lương thực lâu dài?

Không thể không tính đến tiềm năng và lợi thế của một vùng đất trước khi đầu tư. Song tôi nói rằng nếu đó là đất có lợi thế cho nông nghiệp thì phải giữ lại làm nông nghiệp. Nếu cứ trải thảm đỏ và cho phép DN "chỉ đâu đánh đấy", chắc chắn đất lúa còn bị tấn công dữ dội nữa. Đất lúa không phải chỗ nào cũng làm được, hàng nghìn năm mới hình thành sinh thái đất lúa và một khi bị bêtông hóa, đất sẽ không thể quay lại sản xuất nông nghiệp. Do vậy, bằng mọi giá phải giữ lại 3,8-4 triệu ha đất lúa và coi đó là vùng bất khả xâm phạm. Không thể cứ vì lợi ích phát triển kinh tế trước mắt mà bỏ qua vấn đề đảm bảo lương thực lâu dài.

* Ông nghĩ sao khi ở nhiều nơi, nông dân vốn dĩ đã không còn mặn mà với cây lúa do thu nhập quá thấp?

Đây là công việc của quốc gia. Tôi biết ở nhiều nơi khi thu nhập từ cây lúa không đảm bảo cho đời sống, người dân bỏ ruộng và quay sang làm những nghề kiếm được nhiều tiền hơn. Chỗ này cần thể hiện hiệu quả chính sách điều phối của nhà nước vì nếu cứ để như vậy, về lâu dài nông dân sẽ không còn trồng lúa nữa. Tại Trung Quốc, chính phủ trợ giá rất lớn cho đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và hiệu quả mang lại là giá thành nông sản thấp, nhà nông có lãi lớn.

* Vậy theo ông, đâu là một hướng giải pháp thích hợp nhất cho tình trạng mất diện tích lúa vốn đang đang đe dọa nhiệm vụ an ninh lương thực?

Cần phải xác định rằng, trồng lúa không phải là một ngành kinh tế thuần túy, nó là vấn đề an ninh lương thực và an ninh xã hội. Nhà nước cần giữ đất lúa bằng chính sách chứ không thể cứ buộc nông dân phải trồng lúa. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng, về lâu dài cần đưa ra bản đồ diện tích lúa trình Quốc hội và coi đó là vùng bất khả xâm phạm.

Trong 3,8-4 triệu ha trồng lúa đó, phải xác định ĐBSH và ĐBSCL là các vùng chuyên lúa, công nghiệp không được đụng chạm đến hoặc phát triển ở quy mô nhỏ và theo hướng sơ chế ban đầu. Những gì Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh "ưu đãi" cho các khu công nghiệp trên đất lúa là không đúng xu hướng phát triển và không phải là hướng phát triển khôn ngoan.

* Xin cảm ơn ông!

Quan niệm toàn diện về an ninh lương thực ngày nay của mỗi quốc gia không chỉ là sản xuất ra lượng lương thực để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng mà cần phải quan tâm đến cả 3 vấn đề: Phải có đủ lương thực; Phải có hệ thống cung ứng đến nay người tiêu dùng với giá cả mà cả người bán lẫn người mua chấp nhận được; Phải tạo điều kiện để mọi người có việc làm, có thu nhập để có đủ tiền mua lương thực đáp ứng nhu cầu của bản thân và gia đình họ.


Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp