Là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, quận Bình Thạnh có hàng chục ngàn hộ dân phải di dời phục vụ cho công tác đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng. Để làm được việc đó, quận đặc biệt quan tâm tạo quỹ tái định cư.
Từ năm 2007 đến nay quận Bình Thạnh đã kêu gọi đầu tư hơn 3.000 căn hộ tái định cư để thực hiện các dự án trong năm 2010. Trong những năm trước mắt để chủ động bố trí tái định cư các dự án trọng điểm của thành phố như cầu Thủ Thiêm, đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - Vành đai ngoài; tuyến đường sắt metro Bến Thành - Suối Tiên… quận đã đề xuất thành phố và chủ động mua gần 1000 căn hộ, nền đất tái định cư.
Chính vì vậy khi di dời giải tỏa các hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng các dự án quận được sự đồng thuận cao và đến nay hơn 60% số hộ phải di dời đã ký hiệp thương và bàn giao mặt bằng nhận tái định cư tại các căn hộ và nền đất quận mua.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, hiện trên địa bàn quận vẫn còn hơn 140 hộ dân còn chịu cảnh tạm cư dài hạn. Đặc biệt có hàng chục hộ dân bị giải tỏa thuộc dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh do Công ty Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư phải tạm cư từ năm 1998 đến nay.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dân phải tạm cư dài hạn là do một số dự án tái định cư tại chỗ chậm được khởi công xây dựng hoặc chưa xác định được thời điểm hoàn thành; nhiều dự án chậm được triển khai do vướng quy hoạch; một số dự án có quyết định thu hồi đất từ năm 2004 nhưng UBND thành phố chưa chỉ đạo việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư dẫn đến không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, không cấp giấy hồng, giấy đỏ cho dân; một số dự án thành phố chậm có kết luận đối với công tác tái định cư nên dân phải mòn mỏi chờ nhà tái định cư...
Về việc giải quyết tái định cư cho các hộ tạm cư kéo dài của các dự án thực hiện bằng vốn ngân sách quận đã giải quyết xong 155/213 trường hợp, hiện còn 58 trường hợp do còn vướng mắc về pháp lý trong xử lý giữa kết luận của Tòa án.
Ông Chủ tịch quận than thở: chúng tôi cũng đã quyết liệt đề xuất các biện pháp, chính sách để hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện. Đến nay đã có 102/172 hộ được giải quyết, số còn lại chủ yếu thuộc diện không đủ tiêu chuẩn tái định cư nhưng do nhiều lý do khác nhau những năm trước đây được đưa tạm vào các khu tạm cư, quận có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo giải quyết, một số trường hợp không chịu nhận chung cư quận bố trí mà cam kết chờ nhận chung cư tại chỗ (như 9 hộ khu chung cư Cù Lao Chà, P. 17) hoặc yêu cầu phải bố trí tái định cư tại khu vực tạm cư (như 9 hộ khu Bạch Đàn).
Trong quá trình giải quyết, nổi lên một số trường hợp chây ì, đòi quyền lợi không đúng hoặc cố tình gây khó khăn. Nổi cộm là: hộ ông Vũ Đức Tảo thuộc diện chính sách đang hưởng chế độ ở Nam Định vào thành phố cư trú không có nhà ở, quận bố trí tạm vào khu tạm cư. Việc giải quyết chính sách nhà ở cho ông Tảo hiện Sở LĐ-TB-XH đang kiểm tra lại.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Diệm có tiêu chuẩn tái định cư bằng chung cư, đã nhận tiền đền bù nhưng không trả lại nhà tạm cư nhưng khi vào khu tạm cư chờ bố trí chung cư do trường hợp của bà có tranh chấp. Sau khi tòa án giải quyết tranh chấp, bà Diệm có đơn xin nhận toàn bộ tiền đền bù nhưng “quyết” không giao lại nhà tạm cư!
Còn gia đình ông Dương Văn Chính, bà Trần Thị Kiêm Thu lại thuộc diện “ngoan cố”. Hai ông bà được bố trí 2 nền tái định cư trong đó 1 nền đã được chủ đầu tư giao theo biên bản hiệp thương, nhưng ông Chính không nhận và không xây dựng nhà để ổn định chỗ ở.
Còn 1 nền khác được bố trí theo quy hoạch tại diện tích đất giải tỏa của gia đình ông; nhưng khi đơn vị thi công cơ sở hạ tầng để giao nền thì ông Chính vác dao ra chặn xe cản trở không cho thi công nên chủ đầu tư không thể giao nền này (!?). Đối với 9 hộ trong khu tạm cư Cù Lao Chà, chủ đầu tư đã bố trí căn hộ chung cư Nguyễn Ngọc Phương, phường 19, quận Bình Thạnh. Nhưng các hộ này không chịu nhận chung cư này “vì xa”!
Qua sự việc ở quận Bình Thạnh cho thấy, việc lo quỹ nhà, quỹ đất phục vụ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất không chỉ trông chờ vào cấp quận; mà phải là kế hoạch tổng thể của chính quyền cấp trên.
Trong đó, việc giải phóng mặt bằng phải gắn chặt với lộ trình tạo dựng quỹ nhà đất cho người dân thuộc diện di dời, giải tỏa. Có như vậy cả người dân lẫn chính quyền cơ sở mới có điều kiện tuân thủ pháp luật!
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới