Giải phẫu kiến trúc đô thị TPHCM

Cập nhật 05/12/2009 16:20

Một căn nhà "siêu mỏng" mới mọc lên trên đại lộ Đông Tây. Ảnh: Lê Toàn.

Ngày 27-11-2009, Hội Kiến trúc sư (KTS) TPHCM đã tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng kiến trúc và hoạt động nghề nghiệp của KTS năm 2005-2010”. Tại hội trường (là một căn nhà lá không vách, nằm giữa khung cảnh làng quê trữ tình của Khu du lịch Bình Quới I) các KTS đã “vẽ” nhiều gam màu xám cho bức tranh kiến trúc đô thị TPHCM.

Kiến trúc đang ở trạng thái nào?

Mở đầu hội thảo, KTS. Lê Quang Ninh nêu câu hỏi: Quy hoạch kiến trúc của TPHCM trong vòng 5-10 năm nay tốt hay xấu? Và ông tự trả lời: Các tham luận cho thấy, nhà quản lý nói là tốt, còn những KTS khác nói không tốt. “Theo tôi, tỷ lệ tốt - xấu là 4 - 6”. Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho rằng “tỷ lệ 5-5 hợp lý hơn”!

Tuy nhiên, nhìn nhận về tình hình quy hoạch và xây dựng đô thị TPHCM trong thời gian qua, hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều đồng thuận rằng, thành phố mở rộng quy mô mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều cao, phát triển đa dạng thể loại nhà ở nhưng mất dần không gian đặc trưng đô thị; chiến lược phát triển không gian kiến trúc ở các trục đường mới mở không kịp thời; quy hoạch manh mún, thiếu bản sắc; cơ quan quản lý không giải quyết được cơ bản những vấn đề đô thị; cũng như thiếu chiến lược phát triển đô thị rõ ràng...

Nhiều dẫn chứng đã được đưa ra như dự án đường Đông - Tây đã phá hỏng hết kiến trúc cảnh quan có giá trị lịch sử bên dòng kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, nhưng thiếu chiến lược tạo cảnh quan mới. Vì vậy, rạch Bến Nghé đã bị thu hẹp đến mức chỉ còn là con mương khiến cho dấu ấn đô thị sông nước, trên bến dưới thuyền với nhà đèn Chợ Quán, cầu chữ Y, cầu chữ U, cầu Móng... chỉ còn là dĩ vãng.

Hay trong khu vực trung tâm, việc chú trọng phát triển quá nhiều công trình cao tầng như hiện nay là sai lầm lớn, theo KTS. Lương Anh Dũng. Thật vậy, chưa nói đến sự quá tải của hạ tầng kỹ thuật, về mỹ quan đô thị thì hầu hết các cao ốc ở khu trung tâm rất “vô duyên” với các công trình kiến trúc cũ, phá vỡ cảnh quan kiến trúc xung quanh. Có thể thấy điều này ngay tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố... hay như khu vực quanh trụ sở UBND TPHCM. Nói như KTS. Lê Quang Ninh là “đụng đâu làm đó”.

Kiến trúc đang ở trạng thái nào khi kiến trúc cổ và cũ có giá trị đang ngày càng bị thu hẹp và bị xâm hại? Điển hình là quần thể kiến trúc biệt thự ở quận 3 đang bị đe dọa khi nhiều biệt thự bị đập bỏ để thay vào đó những loại hình kiến trúc quốc tế (Nhật, Singapore, Hàn Quốc...). Trường hợp biệt thự ngói lưu ly tại 165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, với kiến trúc “tân cổ giao duyên” rất độc đáo đã bị đập để xây cao ốc làm giới KTS của thành phố nuối tiếc!

Không chỉ trong khu trung tâm, kiến trúc cao tầng đã xuất hiện với diện rộng và còn vươn cao nữa với cao ốc văn phòng, chung cư. Từ Bình Chánh, Nhà Bè... đến Thủ Đức, quận 9... nhà cao tầng đã bủa vây. Thế nhưng, giới KTS cho rằng Việt Nam chưa có trường phái kiến trúc đặc thù, còn nhiều tính tự phát, chạy theo thị hiếu thị trường, chuộng ngoại, thiếu tư duy học thuật. Nặng hơn, có ý kiến cho rằng, kiến trúc TPHCM còn mơ hồ về định hướng phong cách, nhại lại kiến trúc châu Âu cổ điển một cách thô thiển...

Tìm lối thoát... khó!

Kiến trúc đô thị TPHCM “quá rối”, theo KTS. Lê Văn Nin, là do “mạnh ai nấy làm, thiếu nhạc trưởng, không ai chịu trách nhiệm”. KTS. Nguyễn Văn Tất thì cho rằng, do thông tin giữa nhà quản lý và nhà chuyên môn không thông suốt. “Ý kiến chuyên môn cứ lẽo đẽo chạy theo sau và than vãn”, ông Tất nói. Trong khi KTS. Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng: “Do chính sách quản lý” thì một số ý kiến khác đề cập đến nguyên nhân từ đào tạo và có cả phát biểu: “Kiến trúc thành phố xấu là do KTS”.

Ông Nguyễn Trọng Hòa thừa nhận: “Quản lý quy hoạch xây dựng còn thiếu sót, do khó khăn trong xây dựng quy định. Giới lãnh đạo quen “thích gì làm nấy” nên họ không muốn các quy định trói họ. Chúng tôi cố gắng xây dựng quy định nhưng số quy định được duyệt rất ít”. Ông Hòa đưa ví dụ, khi biệt thự số 165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa được phép đập để xây cao ốc, chủ căn biệt thự 167 kế đó cũng xin đập để xây cao ốc, chúng tôi không đồng ý, nhưng dựa vào cơ sở pháp lý nào để không đồng ý?

Vì vậy, tại hội thảo, nhiều ý cho rằng cần phải xây dựng khung pháp lý hoàn thiện, nhất là phải xây dựng cho được Luật KTS. Nhưng theo KTS. Tôn Thất Liêm, “trong mớ hỗn độn của thực trạng kiến trúc hiện nay, chúng ta cần đánh giá thứ tự ưu tiên của các dự án phát triển đô thị, theo từng thời điểm”. Trong khi KTS. Nguyễn Văn Tân cho rằng đô thị TPHCM hiện nay như một con bệnh cần được nghỉ ngơi. Và ông đề xuất: “Chính quyền cần có quyết định tạm dừng xây dựng trong ba năm, thay chủ trương cho xây nhà cao tầng trong khu trung tâm bằng chủ trương xây nhà cao tầng ở vùng ven”.

Theo KTS. Phạm Tứ và KTS. Vũ Đại Hải, thực trạng kiến trúc đô thị TPHCM không quá “đen” như nhiều KTS nhìn nhận. KTS. Hải cho rằng, hiện tại, nhìn vào từng công trình cụ thể thì công trình nào cũng đẹp nhưng khi chúng đứng gần nhau thì trông rất xấu. Vì sao? “Vì thiếu thiết kế đô thị, thiếu người quản lý giỏi”. Do đó, ông Hải đề xuất cần đào tạo ngành thiết kế đô thị gấp, bằng việc tuyển sinh từ những KTS chứ không phải từ học sinh phổ thông. “Đào tạo ngành thiết kế đô thị là cứu cánh cho thực trạng kiến trúc hiện nay”, ông Hải nói.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG