Chứng khoán liên tục rớt giá trong một thời gian dài và đến nay đã xuống dưới 900 điểm. Không chỉ các nhà đầu tư thất vọng mà ngay các chuyên gia chứng khoán cũng bất ngờ. Vì sao chứng khoán lại rớt giá thảm hại như thế? Giải pháp nào để “kích” thị trường “tươi xanh” trở lại? Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia, những người tham gia trên thị trường…
Ông NGUYỄN NGỌC TƯƠI, Giám đốc Công ty Chứng khoán Đà Nẵng: Phải “chặn” nhà đầu tư chạy sang sàn... bất động sản
Với mức điểm dưới 900 như hiện nay là quá thấp, nhiều nhà đầu tư không bán ra nữa mà đã bỏ sàn chứng khoán chạy sang sàn… bất động sản. Nguyên nhân, giá nhà đất hiện nay tăng quá nóng, cứ đầu tư là chắc chắn sinh lợi cao. Nếu so sánh giữa việc “lướt sóng” trên sàn chứng khoán với “lướt sóng” trên sàn địa ốc thì “lướt” địa ốc về “đích” nhanh hơn.
Chỉ cần đăng ký được một phiếu mua chung cư cao cấp thôi, đã không tốn đồng nào mà sang tay một cái là “ẵm” ngay cả ngàn USD. Như vậy, nhà nước cần ban hành các chính sách làm là “giảm sốt” thị trường nhà đất để cân bằng các hoạt động đầu tư, kéo các nhà đầu tư trở về sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, ngân hàng cần mở cho nhà đầu tư nước ngoài được chuyển đổi tiền USD sang tiền đồng Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài không đổi đồng USD sang tiền Việt Nam do chính phủ kiềm chế lạm phát nên hạn chế mua đồng USD đã kiềm hãm nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Ông VÕ HỮU TUẤN, Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt: Nâng “room” và “mở” Nghị định 03
Thời gian gần đây, nhiều cuộc đấu giá bán cổ phần ra công chúng (IPO) quá lớn. Tính riêng IPO của Vietcombank đã thu hút gần 1.000 tỷ đồng, đến ngày 22-1 là đóng tiền. Sắp tới lại đến đợt IPO của Sabeco thu hút tiếp gần 9.000 tỷ đồng. Thị trường đang hút một lượng vốn quá lớn- cung vượt cầu, trong khi, các nguồn tiền đầu tư thì bị chặn bởi các quy định của nhà nước.
Nguồn vốn trong nước bị hạn chế bởi Nghị định 03 về định mức cho vay, còn nguồn vốn nước ngoài thì bị giới hạn bởi quy định về “room”. Vì thế, để thị trường chứng khoán phát triển, theo tôi cần giải quyết 2 vấn đề trên. Tức là nâng “room” cho nhà đầu tư nước ngoài cao hơn để thu hút lượng vốn lớn từ nước ngoài. Đồng thời, tháo “mở” Nghị định 03 để nhà đầu tư có thể vay vốn đầu tư vào thị trường.
Ông LÊ THANH TRÍ, Công ty Chứng khoán Gia Quyền (EPS): Tạo tốc độ xoay vốn nhanh để tăng nguồn vốn
Hiện nay, điều mà các nhà đầu tư nước ngoài không yên tâm là chính sách quản lý đầu tư cũng như ngoại tệ ở các ngân hàng quốc doanh. Chính sách của chính phủ rất mở để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng đầu ra vẫn còn rất nhiều “éo le”.
Chính sách quản lý này chưa rõ ràng và không có những văn bản hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc các ngân hàng quốc doanh chỉ linh động giải quyết theo từng trường hợp cụ thể cho khách hàng của mình. Những nhà đầu tư mới đang mong chờ một chính sách rõ ràng và cụ thể hơn để họ có thể an tâm đầu tư vào Việt Nam cũng như dễ dàng rút vốn nếu như môi trường đầu tư không còn thuận lợi.
Ngoài ra, Chính phủ nên tạo điều kiện để nhà đầu tư gia tăng tốc độ xoay vòng vốn bằng cách thúc đẩy tốc độ của việc kết nối giữa ngân hàng và công ty chứng khoán qua việc ủy quyền quản lý tài khoản của nhà đầu tư qua ngân hàng.
Qua đó nhà đầu tư được ứng trước tiền ngay sau khi khớp lệnh bán chứng khoán thay vì phải đợi đến 3 ngày và tiến đến cho phép mua bán “khống” (short sales). Nếu làm được việc này dễ dàng thì tốc độ xoay vòng vốn của các nhà đầu tư tăng lên dẫn đến vốn của thị trường sẽ tăng đáng kể.
Theo Sài Gòn Giải Phóng