Vấn đề giải quyết nhà ở cho người nghèo đang được sự quan tâm chú ý của Chính phủ cũng như các bộ ngành. Tuy nhiên, giải pháp nào để người nghèo mua được nhà ở xã hội vẫn là bài toán chưa có lời giải cụ thể.
Cần nhiều gói sản phẩm hợp 'túi tiền' người dân
Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nhà ở xã hội – Cơ hội cho người nghèo”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, để giải quyết vấn đề nhà ở, phải có nhiều giải pháp và nhiều gói sản phẩm khác nhau để phục vụ nhiều tầng lớp, đối tượng khác nhau trong xã hội.
Đối với nhà thu nhập thấp, hiện có dải rất rộng từ 30 – 70m2, giá cả tùy vị trí và địa phương có thể dao động từ 6 – 12 triệu đồng/m2. Cụ thể, ở Hà Nội, có một số dự án giá từ 8 – 8,5 triệu đồng với diện tích căn hộ 30,2m2. Giá căn hộ khoảng 250 triệu đồng, người mua có vốn đối ứng 50 triệu đồng, có thể làm thủ tục vay ngân hàng 200 triệu đồng.
Theo phân tích của Thứ trưởng Nam, nếu 200 triệu đồng này được vay trong 10 năm thì mỗi năm trả 20 triệu đồng, mỗi tháng trả 1,6 triệu đồng tiền gốc và 1 triệu đồng tiền lãi những tháng đầu tiên. Như vậy, tháng đầu tiên trả 2,6 triệu đồng/tháng.
“Nếu người có mức lương 6 triệu đồng và sống một mình thì hoàn toàn có thể mua được căn hộ 30m2”- ông Nam nhấn mạnh. Những tháng tiếp theo, gốc vay giảm dần, lãi hàng tháng cũng giảm dần theo.
Ngoài ra, đối với những người lương thấp hơn, Chính phủ sẽ có cơ chế chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở cho thuê để ở. Thứ trưởng Nam còn cho biết, chủ trương của Chính phủ sẽ phát triển mạnh nhà ở cho thuê. Việc giải quyết khó khăn về nhà ở như ở Việt Nam, phải giải quyết trong nhiều chục năm, chứ không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Cần cơ chế khác để cho người nghèo vay tiền mua nhà
Theo phản ánh của dư luận thì việc ngân hàng quy định khách hàng phải chứng minh được khả năng trả nợ thì mới có thể xem xét để vay vốn mua nhà là một rào cản quá lớn với những người lao động, thu nhập không ổn định.
GS Đặng Hùng Võ nhận định: Cho người nghèo vay tiền thì không thể áp dụng cơ chế bắt người nghèo chứng minh khả năng trả nợ. Ở các nước khác, người ta dùng một cơ chế hoàn toàn khác khi cho người nghèo vay tiền. Hơn nữa, họ còn có các ngân hàng chuyên cho người nghèo vay tiền mà người nghèo vẫn trả được nợ và ngân hàng vẫn có lãi.
Trong khi đó, theo phân tích của GS. Đặng Hùng Võ, với mức thu nhập của gia đình 9 triệu đồng/tháng, tức khoảng 100 triệu đồng/năm. Tỷ lệ giữa giá nhà trung bình/thu nhập bình quân năm ở Việt Nam trước đây là khoảng 25 lần, nếu 1 người tiết kiệm 25% thu nhập thì cũng phải 100 năm mới mua được nhà.
Đây là nghịch lý lớn nhất của giá cả bất động sản Việt Nam. Theo tính toán này thì chắc chắn mỗi người lao động dù rất tiết kiệm thì cũng phải khi chết mới mua được nhà.
Theo tính toán của GS. Đặng Hùng Võ, trong trường hợp gia đình mà 2 vợ chồng có thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng, mỗi tháng chỉ bỏ ra được khoảng 500.000 đồng, còn giá nhà từ 500 – 700 triệu đồng/căn.
Nếu tiết kiệm được 1 triệu đồng/tháng thì sau hơn 40 năm bạn cũng có thể mua được nhà. Tất nhiên, trong hoàn cảnh của người thu nhập thấp thì cần sự trợ giúp từ nhiều phía như người thân, bạn bè,…thì mới có thể mua được nhà sớm hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí điện tử Nhịp sống số