Xoay quanh thực trạng giá nhà đất ở Việt Nam thuộc loại đắt nhất trên thế giới và ý kiến của chuyên gia về việc chỉ có đánh thuế đất phi nông nghiệp mới có thể giảm giá nhà đất, thì đã có ý kiến của nhiều doanh nhân, những người có trách nhiệm liên quan đến vấn đề này. Sau đây là một số ý kiến.
Tổng giám đốc CTCP Vinaland Hồ Đắc Hưng: Người nghèo sẽ hưởng lợi khi DN phát triển
Làm sao để có nhà giá thấp, giá rẻ để người có thu nhập thấp có thể mua ở được là việc của Nhà nước, và phải có định hướng lâu dài. Theo tôi được biết, các nước giải quyết theo cách là kích thích các DN phát triển, Nhà nước sẽ thu được nhiều thuế. Từ đó sẽ có quỹ phát triển nhà ở xã hội sử dụng cho việc giảm tiền thuế nhà ở, giảm tiền sử dụng đất cho người nghèo, tạo nguồn vốn dài hạn cho khách hàng có thể mua nhà trả góp dài hạn với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh, Nhà nước nên khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhiều dự án, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, lúc đó sẽ có nhiều sản phẩm, khách hàng sẽ có nhiều chọn lựa. Như vậy giá đất sẽ không còn cao, người có thu nhập bình thường có thể mua được nhà ở. Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư trong quá trình xây dựng dự án, sao cho nhanh chóng nhất, với giá thành thấp nhất. Có nhiều dự án mới thì sự cạnh tranh rất cao. Đây là kế hoạch dài hạn.
Chủ tịch HĐQT Công ty ĐT-XD-PT Lĩnh Phong - Conic Hoàng Anh Dũng: Nhà cho người thu nhập thấp là một thị trường
Nhà ở cho người thu nhập thấp là thị trường rất lớn. Vướng mắc lớn nhất là nhiều người vẫn xem đây là một chương trình chứ không xem đây là một thị trường. Vì xem là chương trình nên thủ tục để hạ giá thành rất rườm rà, phức tạp, ví dụ muốn triển khai dự án phải xem ngân sách từ đâu, quyết toán như thế nào… trong khi phần lớn DN không đủ thời gian để theo đuổi. Chương trình 30 ngàn căn nhà tái định cư được TPHCM rất quan tâm nhưng vẫn chưa thành công như người ta mong đợi. Nếu xem là thị trường sẽ có những đặc điểm: đây là thị trường có tiềm năng rất lớn, muốn đưa sản phẩm đến với khách hàng phải có những điều kiện nhất định (như ưu đãi về thuế, giao đất...) để DN có thể tham gia được; đồng thời phải có sự liên thông nhiều mặt với nhau để khơi thông thị trường. Có thể hiểu nội dung liên thông như thế này: Có được những ưu đãi về thuế, giao đất thì phải có cơ chế về giá đất. Tại TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng giá đất ban hành hàng năm thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Điều này chỉ đúng với các khu trung tâm, ví dụ giá đất đường Đồng Khởi chỉ bằng 20 - 30% giá thị trường. Nhưng ngược lại ở một số vùng ven như ở Bình Chánh giá có những nơi lên đến 2,5 triệu đồng/m2 là khá cao. Nếu giá đất lên đến 2,5 triệu đồng/m2 thì nhà đầu tư không thể xây nhà chung cư giá khoảng 4 triệu đồng/m2 để bán cho người thu nhập thấp.
Phó Giám đốc CTCP địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực: Nên có những căn hộ diện tích nhỏ
Theo quy định hiện nay, căn hộ phải có diện tích trên 45m2, đủ cho 4 người ở. Đây là những quy định khắt khe và không thích hợp cho xã hội ta hiện nay, khiến nhà đầu tư phải thiết kế căn hộ 70 - 80m2, giá bán không thể rẻ được. Theo tôi, khi nhu cầu nhà ở của xã hội đang cao, nhiều người không đủ tiền mua căn hộ 70 - 80m2, cũng nên cho phép có những căn hộ có diện tích từ nhỏ từ 30 - 50m2 cho 1 - 2 người ở, như vậy sẽ dễ bán nên sẽ có nhiều DN đầu tư vào thị trường này. Có như vậy thì những người mới lập gia đình, sinh viên, viên chức, những người đơn chiếc sẽ có cơ hội sở hữu một căn hộ.
Giám đốc Công ty XD Thành Trường Lộc Nguyễn Công Anh: Khích cầu thị trường nhà đất
Làm sao để người có thu nhập thấp mua được nhà ở là trách nhiệm của nhà quản lý. Theo tôi, Nhà nước nên ưu tiên cho DN tham gia xây nhà ở xã hội không phải đóng các loại thuế nhà đất. Khách hàng mua căn hộ phải được hệ thống ngân hàng tài trợ cho vay trong nhiều năm. Hoặc khách hàng sẽ được vay thông qua một cơ quan hoặc một tổ chức tài chính về nhà đất chuyên phục vụ cho dự án này. Gần đây một số ý kiến cho rằng nên đánh thuế mạnh vào nhà đầu tư kinh doanh (đầu cơ) thì sẽ làm cho giá nhà đất giảm. Đó là một cách nhìn thiếu thực tế, như vậy vô tình làm nghẽn một hướng đi tích cực của thị trường. Bản thân người đầu cơ không có tội, ngược lại góp phần kích cầu thị trường.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Công khai, minh bạch về quy hoạch phát triển
Tăng trưởng kinh tế kéo theo giao dịch về đất đai phát triển. Đấy là nhu cầu khách quan. Nhưng đất không sử dụng thì không có giá trị, mà lại sử dụng đất như một mục đích đầu cơ thì không tốt. Quan trọng là quy hoạch phát triển về đất đai, quy hoạch phát triển về xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến các khu công nghiệp-thương mại phải công khai minh bạch. Chúng ta phải giải quyết nhanh để đáp ứng nhu cầu của những người cần nhà. Đồng thời, phải có những biện pháp để chống lại hiện tượng đầu cơ, trong đó có vấn đề giá đất, tạo cơ chế công khai, minh bạch để người dân hiểu giá nào là hợp lý. Nhà nước cũng phải đánh thuế cao những diện tích đất được xác định là đầu cơ.
Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM TS Trần Du Lịch: Điều tiết bằng thuế lũy tiến
Thị trường bất động sản đang có sức cầu ảo do sự rất yếu kém trong sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết. Đa số người mua căn hộ không phải những người cần nhà ở, mà là mua để bán lại, để đầu cơ. Thậm chí mua nền nhà đất cũng là đầu cơ. Còn những người thực sự có nhu cầu về nhà ở, đất ở không mua nổi.
Để chấn chỉnh tình trạng này, phải điều tiết bằng việc đánh thuế lũy tiến với các trường hợp đầu cơ. Chính sách thuế phải làm sao để người đầu cơ nhà đất không thể kỳ vọng được hưởng lợi giá lên. Cần sửa ngay quy định để Nhà nước không đi giao dự án cho doanh nghiệp. Vấn đề này đã được nêu từ Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX, là Nhà nước quy hoạch, đầu tư hạ tầng, còn dự án thì Nhà nước đấu thầu, đấu giá dự án về giá và về thời gian xây dựng. Nếu làm vậy thì không ai đầu cơ được cả. Còn bây giờ, nếu chạy giành dự án rồi ôm đó, chờ đi tìm vốn, tìm nước ngoài đầu tư... thì dễ tạo sự đầu cơ, đẩy giá lên cao. Tới đây, chính sách quản lý cùng với chính sách về tài chính và đất đai cần phải làm quyết liệt hơn đối với các khu chỉnh trang đô thị, các khu dân cư mới. Nhà nước phải đứng ra làm về hạ tầng và đấu giá, đấu thầu để xây dựng, bỏ hoàn toàn cơ chế, cấp đất dự án nóng lên.
Theo Sài Gòn Giải Phóng