Thị trường bất động sản (BĐS) đang trong thời điển khó khăn chưa từng thấy với việc thắt chặt dòng vốn từ phía ngân hàng, các dự án lao dốc, nhà đầu tư đang lao đao mất phương hướng vì thiếu vốn… đang là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp BĐS hiện nay. Việc tìm giải pháp cho thị trường, cũng như tìm dòng vốn khác để "hâm nóng" thị trường BĐS đang ảm đạm được nhiều doanh nghiệp tính đến.
Việc tìm giải pháp phù hợp cho thị trường BĐS lúc này là cần thiết.
Xây nhà cho thuê
Trình bày tại Hội thảo "Giải pháp tổng thể cho thị trường bất động sản năm 2012" do kênh InfoTV và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 28/3, bà Châu Thị Thu Nga, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết một thực tế, nhu cầu thuê nhà ở của Việt Nam rất cao nhưng nhà ở để cho thuê lại hạn chế và thiếu cơ chế thúc đẩy phát triển.
Các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là nơi có mật độ dân số rất cao, tập trung nhiều người nhập cư, đối tượng làm công ăn lương, sinh viên các trường đại học. Đây là nhóm dân cư chiếm tỉ trọng lớn tại đô thị, nhưng tích lũy tài sản và thu nhập chưa cao. Đại đa số chưa có đủ khả năng để có thể mua nhà. Nhóm đối tượng này có nhu cầu rất cao về loại nhà ở cho cho thuê có giá trung bình và thấp.
Để phát triển được nhà ở cho thuê cần có một tư duy mới về nhà ở cho thuê, cả từ phía các nhà quản lí, doanh nghiệp cho đến người dân.
Các doanh nghiệp cần thay đổi quan niệm về nhà ở cho thuê để nghiên cứu các giải pháp kinh doanh và giải pháp kĩ thuật nhằm phát triển các dự án nhà ở thương mại có giá rẻ để cho thuê.
Từ đó bà Nga kiến nghị: "Vấn đề bức xúc cần giải quyết hiện nay là trong thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho thuê về đất đai, miễn giảm thuế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư loại hình dự án này nhằm giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở nhưng không có khả năng mua nhà ở, thanh toán theo cơ chế thị trường".
Bà Nga cũng cho biết thêm, hiện chúng tôi đang kiến nghị cho phép chủ đầu tư điều chỉnh quy mô căn hộ phù hợp với nhu cầu thị trường. Chúng tôi cũng yêu cầu địa phương rà soát dự án đô thị xem dự án nào dừng lại, dự án nào tiếp tục thực hiện để tái cơ cấu thị trường bất động sản
Phải đa dạng dòng vốn
Trình bày tại Hội thảo này, ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty quản lí quỹ tín thác đầu tư bất động sản VREIT đã đưa ra hai bức ảnh đối lập nhau. Một hình ảnh là đại lộ rộng rãi thênh thang với xe hơi nối đuôi nhau ở một quốc gia phát triển, hình ảnh còn lại là con đường nhỏ hẹp, ít phương tiện đi lại ở Việt Nam.
Lí giải cho việc đưa ra hai hình ảnh này, ông Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ: Nguồn vốn trong nước còn rất khiêm tốn so với lượng vốn khổng lồ trên thế giới. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng lớn hơn nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những chiếc xe hơi trong hình ảnh đầu tiên tôi ví như là công cụ chuyên chở dòng tiền đến khắp nơi trên thế giới. Liệu hàng dài xe hơi trên đại lộ đó có thể đi trên con đường nhỏ hẹp của Việt Nam không?
Ông Hoàng nói tiếp: Chỉ cần một tập đoàn lớn của nước ngoài đã có GDP bằng cả nước Việt Nam với hàng trăm tỉ USD rồi. Làm thế nào hút dòng tiền này đến Việt Nam? Điều quan trọng là phải bảo vệ được nguồn vốn của nhà đầu tư, để họ hiểu rằng tiền của họ không bị mất đi mà có khả năng sinh lời.
Do đó cần có công cụ để hút nguồn vốn này vào thị trường bất động sản Việt Nam. Các bộ, ngành phải tạo điều kiện tối đa cho nó, trong đó khung pháp lí đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc mở đường cho dòng vốn vào Việt Nam.
Ngoài ra, theo đại diện VREIT, quỹ đầu tư bất động sản là công cụ cần thiết cho thị trường bất động sản. Ông nói: Hiện nay, bất động sản vẫn rất quan trọng với người Việt. Nhưng phần lớn vốn lại nằm trong hệ thống ngân hàng. Khi vốn ngân hàng "tắc", sao không dùng công cụ rộng rãi hơn, huy động vốn toàn dân, để toàn dân đầu tư vào một quỹ như vậy, mời cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia quỹ đó. Đây là kênh huy động vốn rất tốt mà các nước đã thực hiện.
Cùng chung quan điểm phải đa dạng hóa dòng vốn cho bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Dòng vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài là đích cho thị trường của chúng ta. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm dự án sinh thái mà họ muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, xu hướng mua bán sáp nhập cũng là điều cần được đẩy mạnh trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ: "Càng trong khó khăn, xu thế mua bán sáp nhập càng phát triển mạnh, đặc biệt là ở thị trường bất động sản phía Nam do quy mô doanh nghiệp nhỏ, nguồn tài chính ít.
Về việc xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở, ông Hà cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng vào Việt Nam. Đây vừa là nguồn tín dụng vừa giáo dục tinh thần tiết kiệm cho người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn