Giải pháp hiệu quả cho các gói kích cầu kinh tế

Cập nhật 29/07/2013 14:16

 

Về cơ bản, nền kinh tế hiện nay cần phải có những giải pháp hỗ trợ để vượt qua giai đoạn trì trệ. Tuy nhiên, kích cầu hay không kích cầu vẫn đang là câu chuyện còn nhiều tranh cãi trong giai đoạn hiện nay. Quyết định cuối cùng tất nhiên vẫn thuộc về các cơ quan chức năng. Song, nếu có một gói kích cầu được đưa ra thì cũng cần phải tính đến giải pháp sao cho có hiệu quả thực sự đối với nền kinh tế, tháo gỡ được đúng nút thắt về hàng tồn kho, nợ xấu và tăng trưởng kinh tế.

Đặt giả thiết nếu có một gói kích cầu mới được tung ra vào lúc này thì cần hiểu rằng chính phủ cần phải có biện pháp kích thích tổng cầu tăng lên một cách thực sự. Một bài học tồn tại của gói kích cầu năm 2009, theo nhiều chuyên gia, gói 170 nghìn tỷ kích cầu khi đó bị sử dụng sai mục đích dẫn đến việc kích cung là chủ yếu. Trong khi nhu cầu tiêu dùng tạo giá trị cho nền kinh tế lại không có tác động. Chính vì thế, cần phải xác định rõ mục tiêu kích cầu ngay từ đầu để nội dung này xuyên suốt cả quá trình thực hiện. Tức là nhu cầu hàng hóa phải tăng lên.

Khi được phóng viên VITV hỏi, ông Trương Thanh Đức, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trở lại gói kích cầu 30.000 tỷ bất động sản vừa rồi, thì tôi cho rằng về thực chất không phải kích cầu mà cung là chính, kích cầu là phụ thôi. Vì thế số tiền nhiều hay ít có tác dụng không đáng kể thậm chí lại gây ra tác dụng ngược. Kích cầu hiện nay chúng ta phải làm thế nào đó để gây ra hiệu ứng lan tỏa, có thể không lớn nhưng có tác dụng về tâm lý để nhu cầu tăng lên, hàng hóa được tiêu thụ”.

Kích thích tổng cầu có nhiều cách, bình thường có thể thông qua con đường tín dụng nhưng tín dụng hiện nay hoàn toàn bế tắc. Thứ hai là bơm vốn qua thị trường chứng khoán. Nhưng kênh này hiện nay không thu được hiệu quả. Vì thế, kích cầu không có nghĩa là phải bơm tiền ra mà cần làm tăng vòng chu chuyển của dòng tiền để sinh lời một cách hiệu quả nhất.

Ông Đức cho biết: “Số lượng cụ thể thì tôi không rõ. Nhưng tôi nghĩ biện pháp, cách thức là không theo xu hướng cung thêm nhiều ra mà tăng chu chuyển của dòng tiền tệ, kích thích mua bán, giao lưu, trao đổi hàng hóa tiêu dùng nó mới có tác dụng thực sự”.

Nếu giải quyết được như vậy, nghĩa là một mũi tên trúng được 2 đích. Thứ nhất là khiến nền kinh tế hồi phục, nợ xấu giảm đi bởi các doanh nghiệp bán được hàng sẽ có thu nhập trả ngân hàng, sau đó thấy thị trường có nhu cầu thì lại vay vốn sản xuất và dòng tiền sẽ lưu thông trở lại. Thêm vào đó, việc giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện cũng là một khâu hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, nhiều chủ trương và biện pháp đưa ra hết sức đúng đắn song trong quá trình thực hiện khâu giám sát còn lỏng lẻo dẫn đến hiệu quả không cao gây mất niềm tin cho thị trường.

Ông Nguyễn Trí Hiếu (ảnh), chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “Có rất nhiều doanh nghiệp họ vay với lãi suất 4%. Quá tốt. Nhưng ông ấy dùng tiền đó gửi vào ngân hàng và hưởng lãi suất tiền gửi để ăn lãi suất chênh lệch. Do thiếu kiểm soát nên chúng ta để một số doanh nghiệp làm như vậy. Rồi một số doanh nghiệp đáng lý ra phải dành các doanh nghiệp nhỏ, yếu, cần hỗ trợ thì phần lớn số tiền trong các gói đó lại hỗ trợ cho doanh nghiệp mạnh và có quan hệ tốt với ngân hàng”.

Một yếu tố nữa cũng rất cần quan tâm đó là việc chống tham nhũng. Nhìn lại gói kích cầu năm 2009, nhiều chuyên gia nhận định gói kích cầu khi đó không hiệu quả vì lợi ích nhóm, về những vấn đề liên quan đến tham nhũng. Vì thế, nếu tung ra một gói kích cầu tiếp theo trong giai đoạn hiện nay thì việc nói không với tham nhũng là điều kiện tiên quyết.

Ông Hiếu cho hay: “Một trong những tiền đề để bất cứ gói hỗ trợ nào được sử dụng một cách đúng và hiệu quả là chúng ta phải quyết liệt chống tham nhũng. Nếu chúng ta không quyết liệt chống tham nhũng để những bàn tay tham nhũng đó thọc vào trong những gói hỗ trợ đó thì có lẽ chỉ một phần số tiền được tới tay người dân, còn rất nhiều số tiền đó nằm trong bàn tay của tham nhũng. Thành ra vấn đề chống tham nhũng là vấn đề tiên quyết cho tất cả gói hỗ trợ. Nếu chúng ta không tận diệt được tham nhũng thì có lẽ chúng ta chưa nên đưa ra gói hỗ trợ”.

7 tháng năm 2013 đã trôi qua, những dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chỉ xoay quanh mức 5,2 – 5,5%, trong khi đó tổng giá trị tồn kho của doanh nghiệp phi tài chính đạt mức trên 210 000 tỷ, tăng 11% so với năm 2012, trong 6 tháng năm 2013 khoảng 54% số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng thì trong số này chỉ có khoảng 36% được ngân hàng đáp ứng vốn vay. Tình hình kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ và nếu có một gói kích cầu được tung ra hy vọng những giải pháp trên sẽ cần được lưu ý.

DiaOcOnline.vn - Theo VITV