Để phát triển thị trường BĐS 2016, còn rất nhiều việc phải làm khi căn cứ vào các quy định đổi mới của Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014. Trước hết, vấn đề an sinh xã hội về nhà ở là điều cần được đặt ra và xem xét chi tiết từng việc; sau đó là tập trung phát triển các phân khúc có thể mang lại lợi ích chung cũng như lợi ích của các bên tham gia. Đây là ý kiến của chuyên gia Đặng Hùng Võ khi bàn về một số giải pháp cho thị trường BĐS năm 2016.
Hình minh họa
|
Theo GS Đặng Hùng Võ, tiếp cận việc dự báo thị trường BĐS 2016 không nên theo hướng người ngoài cuộc xem xét và dự báo. Việc dự báo cần gắn với trách nhiệm của mỗi chúng ta, dù người đó là nhà quản lý hay nhà đầu tư, hay người tiêu dùng. Mỗi người trên vị trí của mình cần làm những việc có thể làm được để thị trường tốt hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn.
Thực tế diễn biến của thị trường BĐS năm 2015 cho thấy, phân khúc nhà ở giá trung bình và giá trên trung bình có cơ hội phát triển mạnh vì đó là phân khúc đã có chuyển động tích cực vào cuối năm 2015. Đây là phân khúc mang tính thị trường cao và phù hợp với khả năng thanh toán của đa số cầu hiện tại. Đặc biệt, khi một phân khúc có điều kiện phát triển thì sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào đó.
Cũng theo ông Võ, bên cạnh khả năng phát triển mạnh hơn của phân khúc giá trung bình và trên trung bình, phân khúc giá rẻ vẫn tiếp tục phát triển với nguồn cung ổn định hàng năm. Phân khúc này khó có điều kiện tăng cung mạnh vì yếu tố thị trường không cao, phụ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp của Nhà nước mà khả năng trợ giúp này lại luôn có hạn.
Nhận định về năm 2016 liệu sẽ có những bước ngoặt cho thị trường BĐS, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, khó có hy vọng vì vẫn còn tồn tại một kho BĐS tồn đọng với giá trị gần 50 nghìn tỷ, đó làm một áp lực khác lớn. Hơn nữa, nhiều phân khúc quan trọng như phân khúc nhà ở cho thuê, phân khúc chung cư vẫn chưa có khả năng đưa ra các giải pháp phát triển tích cực. Nhu cầu thuê nhà của người nghèo, người có thu nhập thấp khá cao, khung pháp luật đã được cải thiện mạnh trong Luật Nhà ở 2014 nhưng cung vẫn chưa có khả năng tăng đáng kể do vẫn chưa có giải pháp vốn trung hạn và dài hạn. Tương tự, việc nâng cấp hay xây dựng lại các nhà chung cư cũ vẫn chưa có giải pháp thỏa mãn được nguyện vọng của cả cư dân lẫn nhà đầu tư.
Vì vậy, để thị trường BĐS 2016 có cơ hội phát triển tốt hơn thì cần có đáp án chính xác cho câu hỏi: Nguồn tín dụng trung hạn và dài hạn nào có thể tận dụng được để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, cải tạo chung cư cũ nói riêng và cho thị trường BĐS nói chung? Câu trả lời khả thi cho câu hỏi này chính là giải pháp chủ yếu để phát triển thị trường BĐS trong tương lai. Phải chăng khi đã mở chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở gắn với đất ở thì chúng ta có thể tiếp tục mở chính sách được thế chấp bằng BĐS ở Việt Nam tại các tổ chức tín dụng nước ngoài. Đây là cách duy nhất để tiếp cận vốn trung hạn và dài hạn.
Bên cạnh đó, cơ chế cho vay tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, người có thu nhập thấp cần được điều chỉnh lại trên nguyên tắc thực hiện các tín dụng nhỏ với sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội. Điều quan trọng là giúp người nghèo cơ hội cải tạo nhà đang ở bằng chính hoàn cảnh sống của họ. Không áp dụng cơ chế "xin - cho" như ta vẫn hay làm trong thời gian qua…
Năm 2016 là năm tiếp tục mọi thành tựu mà năm 2015 đã đạt được. Trong đó, cơ hội phát triển thị trường 2016 luôn phụ thuộc vào sức hấp dẫn sinh lợi khi đầu tư vào BĐS. Cơ hội này luôn phụ thuộc vào cách thức quản lý rủi ro trên thị trường. Trước hết, phải bảo đảm tính minh bạch của thị trường về thông tin để mỗi người có thể có dự báo riêng cho mình, lựa chọn cách đầu tư theo dự báo của mình. Tiếp theo, những rủi ro về quan hệ tài chính cũng cần được quản lý chặt chẽ, kể cả giao dịch chuyển quyền, giao dịch bảo đảm, giao dịch tài sản hình thành trong tương lai. Quản lý rủi ro tốt là bảo đảm mọi giao dịch trên thị trường đều an toàn, tạo sự hấp dẫn cho thị trường…
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng