Giải ngân vốn ODA quá chậm

Cập nhật 29/05/2009 10:40

720 triệu USD là số vốn ODA được giải ngân từ đầu năm đến nay. Kết quả này chỉ bằng 38% kế hoạch năm 2009. Đáng chú ý là việc chậm giải ngân diễn ra ở nhiều dự án quan trọng thuộc lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng.

Kết quả này vừa được Bộ KH-ĐT công bố.

Theo Bộ KH-ĐT, một số đơn vị có mức giải ngân ODA thấp dưới 40% là Bộ GTVT (38%), Bộ Y tế (27,9%), Thành phố Đà Nẵng (6,66%), Thành phố Cần Thơ (11,6%), Thành phố Hà Nội (36%).

Bộ GTVT chủ trì 38 dự án ODA thì có tới 27 dự án mới giải ngân bằng 20% kế hoạch năm, 6 dự án đạt mức giải ngân từ 20-40% kế hoạch năm.

Các dự án giải ngân ODA thấp là dự án hành lang ven biển phía Nam (0,03%), cầu Nhật Tân (0,96%), cảng Cái Mép - Thị Vải (2,57%), quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (7,15%).

Thành phố Hà Nội đang quản lý 19 dự án ODA quan trọng. Năm 2009, Hà Nội sẽ phải thực hiện 631 tỷ đồng nhưng 4 tháng đầu năm, mới giải ngân đuợc 36% kế hoạch năm.

Trong đó, điển hình chậm giải ngân vốn ODA là dự án phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long- Vân Trì mới đạt 5%, dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, tiểu phần thành phố Hà Nội mới đạt có 1%, dự án trường cao đẳng dạy nghề Hàn Quốc- Thành phố Hà Nội đạt 10%, dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội mới đạt 12%.

Bộ KH-ĐT cho biết, những dự án đầu tư lớn phát triển cơ sở hạ tầng đều thuộc lĩnh vực ưu tiên bố trí vốn đối ứng. Bộ GTVT thường đề nghị bố trí khối lượng vốn đối ứng lớn, song thực tế không giải ngân hết. Trong khi đó, vốn đầu tư cho các dự án khác trong nước lại thiếu.

Việc chậm giải ngân như vậy đã ảnh hưởng tới cả cân đối ngân sách chung và kế hoạch phát triển của các ngành.

Bộ KH-ĐT cho rằng, những nguyên nhân cơ bản dẫn tới giải ngân chậm ODA là do cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng còn nhiều bất hợp lý, năng lực của cả cơ quan chủ quản và các nhà thầu còn hạn chế, cơ chế bố trí vốn đối ứng chưa hợp lý.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, ông Cao Viết Sinh khẳng định, sẽ không để thiếu vốn đối ứng cho bất cứ dự án trọng điểm nào. Với các dự án dùng ODA, Bộ ngành, địa phương nào có thể giải ngân nhanh hơn thì Bộ KH-ĐT sẽ hỗ trợ tạo điều kiện tối đa về thủ tục.

Tháng 6 tới, Bộ KH-ĐT sẽ làm việc với tất cả các nhà tài trợ để thúc đẩy giải ngân vốn ODA, đầu tiên là với Ngân hàng Thế giới. Năm nay, kế hoạch giải ngân ODA là 2,5 tỉ USD.

Theo báo cáo của 8 bộ ngành và 48 tỉnh, thành phố, số dự án ODA đạt mức giải ngân khá từ 60% trở lên so với kế hoạch năm, chỉ chiếm có 1/5 tổng số dự án (121/556 dự án).

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, 50% khối lượng giải ngân ODA là từ các dự án điện.

Các dự án trong lĩnh vực giao thông, nâng cấp đô thị, giáo dục có mức giải ngân thấp hoặc trung bình. Các dự án công nghệ thông tin có mức giải ngân kém nhất.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet