Giải ngân vốn FDI Bình Dương: “Chăm sóc” từng nhà đầu tư

Cập nhật 10/09/2008 01:00

Trong quá trình thu hút vốn FDI, Bình Dương có những cách làm riêng từ quy trình lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy phép đến việc hỗ trợ trong quá trình triển khai dự án. Chính vì vậy, liên tục trong vài năm trở lại đây Bình Dương luôn nằm trong nhóm những địa phương có tốc độ giải ngân vốn FDI nhanh nhất.

Một trong những rào cản lớn nhất của việc giải ngân vốn FDI tại nhiều nơi hiện nay chính là khâu giải phóng mặt bằng. Và đây cũng chính là “nút thắt” để Bình Dương tháo gỡ trong việc đẩy nhanh tốc độ triển khai vốn.

Có mặt bằng mới cấp phép

Theo ông Lê Việt Dũng - phó giám đốc Sở KH-ĐT Bình Dương, vướng mắc khâu mặt bằng hiện chủ yếu rơi vào các dự án nằm ngoài khu công nghiệp (KCN). Vì vậy, cách làm của Bình Dương là sau khi xem xét kiến nghị của nhà đầu tư nếu thấy hợp lý, tỉnh sẽ có văn bản chấp thuận chủ trương để tiến hành giải tỏa đền bù. Chỉ đến khi thực hiện xong công đoạn này, tỉnh mới tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Với cách làm này, hầu hết dự án đã cấp phép đều triển khai khá nhanh do không vướng khâu giải phóng mặt bằng, còn nhà đầu tư giảm thiểu được rủi ro.

Thực tế, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, Bình Dương có hai dự án đang triển khai rất nhanh là dự án khu đô thị sinh thái Ecolake (Công ty Becamex liên doanh với một công ty Malaysia) vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD, và dự án khu đô thị The Canary (của Tập đoàn bất động sản Guocoland, Singapore), vốn đầu tư 58 triệu USD. Cả hai dự án này sau khi được tỉnh chấp thuận chủ trương, chủ đầu tư đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành giải tỏa đền bù. Chính vì thế sau khi được giao đất, dự án đã triển khai nhanh theo đúng cam kết. Ông Lawrence Peh, tổng giám đốc Công ty bất động sản Guocoland, khẳng định: “Sau khi được giao đất, cấp giấy phép đầu tư, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện dự án đúng tiến độ”.

Theo Ban quản lý các KCN Bình Dương, hiện có sáu dự án đang triển khai với vốn đầu tư trên 50 triệu USD/dự án (tổng số vốn đăng ký hơn 954 triệu USD, chủ yếu đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ như: đảo Cayman, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan, Nhật, Singapore...). Tuy nhiên, vừa qua dù mức trượt giá biến động lớn nhưng nhiều dự án trên vẫn giải ngân vốn đạt tỉ lệ cao như: Công ty TNHH lốp Kumho đạt 83,39%, Nhà máy giấy Kraft Vina đạt 96,85%, Công ty cổ phần gỗ Kaiser đạt 40,43%...

Ông Han Chang, phó tổng giám đốc Công ty lốp Kumho VN, cho biết: “Dù giá nguyên vật liệu tăng cao đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án, nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện đúng tiến độ so với cam kết”. Hiện nay, Công ty lốp Kumho tiến hành triển khai giai đoạn hai của nhà máy sản xuất lốp xe tại Bình Dương với số vốn đầu tư 200 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư của dự án lên 400 triệu USD.

Lũy kế đến giữa năm 2008, sáu dự án trên đã thực hiện gần 600 triệu USD vốn đầu tư, đạt 62,68% vốn đầu tư đăng ký. Ước lũy kế đến hết năm 2008 các dự án thực hiện vốn đầu tư hơn 798 triệu USD, đạt 83,61% vốn đầu tư đăng ký và 79,27% vốn điều lệ đăng ký.

Phải làm tốt khâu “xem mặt”

Theo ông Dũng, việc giải ngân vốn FDI nhanh hay chậm còn phụ thuộc ngay khâu đầu tiên, đó là giai đoạn xúc tiến kêu gọi đầu tư. “Tỉnh đặc biệt chú trọng đến năng lực thực chất của các nhà đầu tư, không tham những dự án phi thực tế. Chẳng hạn khi chúng tôi đi kêu gọi đầu tư ở các nước luôn kết hợp với phòng thương mại của nước đó để có được những thông tin cụ thể về các nhà đầu tư ở chính lĩnh vực mà tỉnh cần” - ông Dũng cho hay.

Khi chọn được nhà đầu tư lớn thì đối tác của họ cũng là những doanh nghiệp xứng tầm. Chính vì làm tốt khâu “xem mặt” này mà thời gian qua mặc dù giá cả leo thang, nhưng nhiều nhà đầu tư tại Bình Dương vẫn đủ sức xoay xở để dự án triển khai đúng tiến độ.

Hiện có rất nhiều chủ đầu tư tại các KCN ở Bình Dương đều đặt các văn phòng đại diện ở các nước Mỹ, Hàn Quốc, Singapore... nhằm tìm kiếm nhà đầu tư tốt, loại bỏ những dự án phi thực tế, những chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính. Vẫn theo ông Dũng, với quyết tâm hoàn thiện môi trường đầu tư, vừa qua tỉnh đã tập trung vào ba yếu tố: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính để chinh phục nhà đầu tư.

Trước đây khi chưa có chủ trương thực hiện cơ chế một cửa, Bình Dương đã có nhiều công đoạn làm thay cho các nhà đầu tư như thành lập các tổ, hội đồng tư vấn đầu tư cùng ngồi lại xét, kiểm tra để cấp phép cho nhà đầu tư. Vì vậy, quy trình thủ tục đã lược bỏ nhiều công đoạn và thực hiện rất nhanh. Theo ông Han Chang, so với nhiều địa phương khác, Bình Dương thật sự biết cách “chăm sóc” nhà đầu tư và đây chính là một trong những lý do Kumho quyết định chọn để mở rộng đầu tư.

Tính đến giữa năm 2008, lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh ước đạt hơn 1,8 tỉ USD, chiếm khoảng 49% số vốn đăng ký. So với năm 2007, số dự án đi vào hoạt động tăng 81 dự án, đạt 135% kế hoạch năm 2008.

Xã hội hóa xúc tiến đầu tư

Theo ông Lê Việt Dũng, hầu hết các đoàn xúc tiến đầu tư đều do chính các chủ đầu tư các KCN tiến hành. Khi đảm nhận công tác này, các doanh nghiệp sẽ xoay xở, cân nhắc linh hoạt trong việc tìm kiếm, chọn đối tác đầu tư. Còn đại diện các cơ quan quản lý nhà nước tham gia đoàn sẽ giữ vai trò giải thích về pháp luật, chính sách cũng như những cam kết về thủ tục hành chính để các nhà đầu tư hiểu rõ, yên tâm hơn.


Theo Tuổi Trẻ