Giải mã những “siêu” dự án FDI

Cập nhật 03/10/2008 13:00

Chỉ 9 tháng đầu năm mà nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết đổ vào Việt Nam đã gấp gần 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Con số này quả là rất ý nghĩa trong lúc các lĩnh vực khác của nền kinh tế đang trải qua giai đoạn khó khăn.

Nhưng số vốn khổng lồ đó chủ yếu là do có sự góp mặt của những “siêu” dự án. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang “đặt cược” cán cân thanh toán của mình vào khả năng thực hiện hết cam kết của các nhà đầu tư lớn này.

Quá nhiều dự án bất động sản

Trong khi lạm phát và nhập siêu vẫn đang ở mức báo động, đầu tư gián tiếp nước ngoài sụt giảm, Việt Nam vẫn đang tận hưởng làn sóng cam kết FDI to lớn: hơn 57 tỷ USD vốn cam kết trong 9 tháng đầu năm. Theo số liệu mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ giải ngân nguồn vốn FDI chỉ 9 tháng đầu năm đã bằng cả năm 2007.

Từ đầu năm đến nay, đã có 8,1 tỷ USD được giải ngân, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm ngoái (tổng vốn FDI giải ngân của năm 2007 là 8 tỷ USD).

Nhìn vào những thành tích thu hút và giải ngân FDI này, một số nhà quan sát cho rằng phần lớn số vốn FDI của Việt Nam lệ thuộc vào các dự án lớn. Chỉ tính riêng 7 dự án quy mô vốn trên 3 tỷ USD thu hút được trong 9 tháng đầu năm nay đã chiếm đến 75% tổng vốn FDI được đăng ký.

Ba trong số này là những dự án đầu tư bất động sản lớn, trong đó phải kể đến dự án đô thị mới ở Phú Yên của một tập đoàn Brunei (4,3 tỷ USD), dự án khu nghỉ mát Hồ Tràm do tập đoàn của Canada đầu tư 4,2 tỷ USD, và một khu đô thị đại học của Malaysia ở Tp.HCM đầu tư 3,5 tỷ USD.

Bốn dự án còn lại trong số các dự án khổng lồ này là 2 nhà máy thép ở Hà Tĩnh và Ninh Thuận cùng 2 nhà máy lọc dầu ở Thanh Hóa và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo các chuyên gia, mức độ giải ngân của các dự án FDI ở Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào khả năng thực hiện các cam kết đầu tư của các “siêu dự án” này. Trong khi đó, cơ cấu FDI của Việt Nam đang nghiêng nhiều về các dự án bất động sản.

Theo ước tính của Citibank, vốn FDI liên quan đến bất động sản hiện nay chiếm đến 1/4 tổng vốn giải ngân. Một vài báo cáo của các tổ chức nghiên cứu nước ngoài còn đưa ra những nhìn nhận ảm đạm khi cho rằng giải ngân FDI trong lĩnh vực bất động sản có khả năng giảm đến 60% trong năm nay do tình hình trì trệ của thị trường này.

Và từ thực tiễn giải ngân của các nhà đầu tư bất động sản lớn ở Việt Nam thời gian qua khiến chúng ta không thể hoàn toàn tin tưởng toàn bộ số vốn này sẽ được triển khai.

Liệu giải ngân có đúng tiến độ?


Cũng không ít người đã bày tỏ sự hồ nghi về tính chính xác của các ước tính về chi phí đầu tư và động cơ của các nhà đầu tư từ những con số FDI được công bố đầy ấn tượng kèm theo đó là những siêu dự án kể trên.

Với tỉnh nghèo như Phú Yên, thu nhập bình quân đầu người dưới mức bình quân của cả nước, liệu có thực tế hay không khi kỳ vọng một nhà đầu tư nước ngoài đổ hơn 4 tỷ USD vào một khu đô thị mới ở một địa bàn xa như vậy?

Một đại gia Malaysia có thật sự đổ một khoản tiền lớn hơn cả ngân sách giáo dục hàng năm của Việt Nam chỉ cho một khu đại học? Quả thật, giá trị của những dự án được công bố gần đây ở Việt Nam đôi khi cao hơn đáng kể so với những dự án tương tự được thực hiện ở các nước khác, nhiều lúc cũng chính do cùng một nhà đầu tư thực hiện.

Được nhiều lần cử đi học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài nhưng một vị lãnh đạo cấp vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không khỏi thắc mắc rằng tòa nhà 70 tầng được mệnh danh cao nhất Việt Nam Keangnam Hanoi Landmark Tower được “tố” lên 1,05 tỷ USD trong khi tòa nhà 94 tầng được xây dựng ở giữa thành phố Chicago, một trong những nơi đắt nhất thế giới chỉ sau New York cũng chỉ có mức tổng đầu tư là 800 triệu USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, số vốn của các dự án FDI vẫn được công bố là con số cam kết, đây là lời hứa chứ chưa có thực. Trong số vốn FDI thực hiện thì có đến 20-30% vốn đóng góp của phía Việt Nam.

Số vốn bên ngoài góp vào lại bao gồm số vốn thực chuyển ngân vào, là vốn mà nhà đầu tư nước ngoài thực sự bỏ ra. Bên cạnh đó còn có nguồn vốn từ việc lập ra một liên doanh để hai bên cùng vay. Đó là vốn vay thương mại chứ không phải vốn đầu tư.

Trong tình hình hiện nay, ở nước ngoài vay vài chục triệu USD cũng khó thì việc giải ngân vài tỷ USD ở Việt Nam cũng không phải dễ dàng.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải “bóc tách” chi tiết hơn, phân biệt một cách chính xác số vốn mà các nhà đầu tư thực sự đầu tư vào Việt Nam cho phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Cũng có một luồng ý kiến hiện nay đang cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài muốn gây ấn tượng với các chính quyền địa phương để được đẩy nhanh tiến độ cấp phép và đi xa hơn nữa là tiếp cận được những khu đất “vàng” ở vị trí đắc địa với diện tích lớn nhất nên có thể họ đã nói “vống” các con số đầu tư.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh có vẻ thận trọng: “Điều đó cần phải có phân tích đánh giá một cách chính xác. Mọi người đều có quyền nghi ngờ nhưng trước khi kết luận cần có đánh giá nghiêm túc. Vấn đề cần phải hết sức công bằng, chính xác, tránh những lập luận có tính cảm tính”.

Nhìn tổng thể, sự hấp dẫn vốn FDI của Việt Nam là thành tố then chốt cho sự thành công hiện tại và triển vọng tương lai, nhưng quá trình giải ngân còn dài cho nên vẫn còn phải có thời gian mới đánh giá được mức độ tác động tích cực của FDI đến tăng trưởng kinh tế.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy