Tìm quyết sách mới về nông thôn, nông dân, nông nghiệp
Phần 3: Giải lại bài toán lấy đất nông nghiệp
Tận dụng đất xấu để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đồng thời chăm lo đời sống, việc làm cho nông dân là những giải pháp được đề xuất.
Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, việc lấy đất nông nghiệp là tất yếu, nhất là khi công nghiệp hóa nông thôn cũng đã được đặt ra. Vấn đề là làm sao để đời sống của nông dân được nâng cao, có một nền nông nghiệp hiện đại, giảm dân số làm nông nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực...
Làm nông nghiệp vẫn có thể kiếm lời cao
“Nhiều nơi đang xài phung phí một loại đất quý mà phải hàng ngàn năm mới tích tụ được”, giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam lo lắng. Đi thực tiễn tại các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tây, Hà Nam..., những cánh đồng lúa, hoa màu hôm nào nay phủ một màu trắng xóa của cát. Những cánh đồng cát nằm chờ dự án nhiều năm trong khi những hộ dân bị thu hồi đất lại không có đất để làm ruộng trong suốt thời gian chờ đợi đó. Thiệt hại về kinh tế nghiêm trọng đến mức độ nào cần phải được tính toán rõ.
Cũng theo GS Dũng, việc đánh giá giá trị sản xuất nông nghiệp thấp là đúng với thực tiễn ở nước ta nhưng lại không đầy đủ và thiếu tầm nhìn. Nếu so sánh giá trị nông nghiệp với những ngành dịch vụ hay công nghiệp thì nông nghiệp hoàn toàn lép vế. Tuy nhiên, ngày nay nhiều nước trên thế giới đã thu được giá trị rất lớn từ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sử dụng sản phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất cho ngành sinh học. Chẳng hạn, sản xuất sắn, ngô, khoai... làm nguyên liệu sản xuất sinh học (tinh bột biến tính, bột ngọt, bột canh) đang thu được hiệu quả và giá trị cực cao, lợi nhuận đứng đầu các ngành sản xuất.
“Nếu ở nước ta cũng cho xây dựng các nhà máy sản xuất các sản phẩm sinh học thì đời sống nông dân sẽ đổi thay nhanh chóng, lợi nhuận mà doanh nghiệp và nhà nước thu được cũng rất lớn”, GS Dũng khẳng định.
Tận dụng đất xấu để làm KCN
GS-TS Võ Tòng Xuân - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang trăn trở: “Muốn tăng trưởng kinh tế khu vực công nghiệp, dịch vụ mà “bóp” lại diện tích đất dành cho kinh tế nông nghiệp là quan điểm sai lầm. Kinh nghiệm các nước châu Âu, ngay cả Mỹ là chỉ giảm số người làm nông nghiệp nhưng diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp là lớn và quy hoạch hẳn hoi nên sản lượng nông nghiệp rất cao”.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ, nên tận dụng những khu đất xấu để làm KCN, dịch vụ chứ không nên động đến những thửa ruộng màu mỡ. Vài năm trở lại đây, Chính phủ cũng đã yêu cầu các địa phương tăng đầu tư hạ tầng ở những vùng đồi núi, vùng ít khả năng nông nghiệp để phát triển KCN, khu đô thị, khắc phục tình trạng lấy đất lúa gần đường giao thông để làm dự án.
“Trên thực tế, không thể cấm hoàn toàn việc chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác. Các vùng ngoại thành TP Hà Nội, TP.HCM cũng như các TP khác sớm muộn thì cũng được đô thị hóa. Vấn đề cốt yếu là xác định được diện tích đất lúa nào cần được bảo vệ nghiêm ngặt, không ai có quyền xâm phạm nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”.
Ông Võ nhấn mạnh, việc sử dụng đất nông nghiệp ít hiệu quả vào mục đích phi nông nghiệp cần được thể chế hóa cụ thể, thực hiện đồng bộ trong tất cả các loại quy hoạch. Đất đã được quy hoạch là đất trồng lúa nước thì phải đóng mốc giới cố định để bảo vệ lâu dài. Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì đất đó cũng không được chuyển đổi mục đích.
Kiên trì chính sách “ly nông bất ly hương”
Theo TS Lê Đăng Doanh, nhà nước cần sửa đổi chính sách kinh tế và luật hóa bằng chế tài đủ mạnh để triệt tiêu những “vùng lợi ích riêng”: không thể để cho một nhóm người có đặc quyền biến đất ruộng thành đất quy hoạch “treo”, rồi đem thế chấp lấy hàng trăm tỷ đồng, sau đó bán siêu lợi nhuận. Trong khi mức đền bù cho nông dân mất đất vô cùng bèo bọt thì những đồng tiền siêu lợi nhuận khổng lồ lại đổ vào túi một số cá nhân.
Ông Doanh lấy ví dụ một kinh nghiệm hay ở Đài Loan: khi lấy đất nông nghiệp, họ cũng đền tiền cho nông dân nhưng không đưa cả cục mà gửi vào tài khoản cá nhân người được đền bù. Tài khoản này tự động trích trả một số tiền hàng tháng chỉ đủ ăn nhưng đảm bảo được tính hỗ trợ lâu dài. Song song đó, chính quyền đào tạo nghề và đưa nông dân vào các công ty, xí nghiệp chứ không bỏ rơi họ.
TS Lê Đăng Doanh cũng đề xuất nên học tập nhiều nước về chính sách di dân. Một mặt, họ hạn chế nông dân ra thành thị bằng những tiêu chí cụ thể. Chẳng hạn, nông dân phải học hết cấp ba, phải qua lớp đào tạo nghề, hoặc phải có một khoản vốn đủ để tự đầu tư... Tuy nhiên, để làm được điều này thì ngược lại, họ quyết liệt làm bằng được và làm rất tốt chính sách “ly nông bất ly hương”, có các chính sách đào tạo gắn liền với nhu cầu của các KCN, dịch vụ để đạt hiệu quả giữ người cao nhất.