Giải cứu bất động sản du lịch

Cập nhật 11/03/2021 11:10

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công suất thuê phòng khách sạn bình quân trong quý IV-2020 không có sự cải thiện.



Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công suất thuê phòng khách sạn bình quân trong quý IV-2020 không có sự cải thiện. Tính trong cả năm 2020 chỉ đạt 30%-40% (giảm mạnh so với năm 2019). Giá cho thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường cũng giảm nhiều, chỉ đạt khoảng 40% so với năm 2019.

Lượng condotel bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm, cả năm giao dịch chỉ khoảng 120 sản phẩm. Đối với biệt thự nghỉ dưỡng, villa, shophouse, lượng cung năm 2020 đạt gần 15.000 sản phẩm nhưng tỉ lệ hấp thụ chỉ xấp xỉ 8%.

Những tháng đầu năm 2021, tình hình của bất động sản (BĐS) du lịch cũng không mấy sáng sủa. Theo báo cáo thị trường tháng 1-2021 của DKRA Vietnam, loại hình biệt thự biển ghi nhận hai dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 210 căn, tỉ lệ tiêu thụ đạt 15%. Trong khi đó, loại hình nhà phố, shophouse biển không ghi nhận dự án mới mở bán.

Riêng condotel, theo ghi nhận của DKRA Vietnam, trong tháng 1 có hai dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 588 căn, tỉ lệ tiêu thụ thấp - đạt 31%. Nguồn cung mới tăng và tập trung ở Bà Rịa-Vũng Tàu, những địa phương còn lại gần như không có dự án.

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ ba vào đầu năm 2021 nhưng đến nay cơ bản đã được kiểm soát. Cộng thêm chương trình tiêm chủng vaccine đã được khởi động, đem lại nhiều hy vọng cho du lịch phục hồi. Các chuyên gia nhận định du lịch nội địa có thể phục hồi từ giữa năm nay, du lịch quốc tế do phụ thuộc vào các chuyến bay nên có thể cuối năm nay mới từng bước hồi phục. Du lịch đi trước rồi mới đến BĐS nghỉ dưỡng.

Để giải cứu BĐS du lịch, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết vấn đề vướng mắc nhất hiện nay vẫn là liên quan đến pháp lý của dự án, dẫn đến chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư. Nhiều dự án tại các địa phương đang gặp phải những vướng mắc về pháp lý nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng.

Vì vậy, về pháp lý, cần có quy định cụ thể, rõ ràng các vấn đề liên quan trong luật, thúc đẩy việc ra sổ hồng cho những dự án condotel đã bán cho khách mua đang bị vướng mắc và xác định quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan. Bên cạnh đó, cần xúc tiến du lịch nội địa mới có thể kích thích phân khúc này hồi phục.

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng kiến nghị trong khi chờ ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh, đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quy định phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung của chủ sở hữu căn hộ du lịch (condotel). Để từ đó Bộ TN&MT có căn cứ hướng dẫn các địa phương ghi diện tích phần sở hữu riêng, quyền sử dụng đất của chủ sở hữu condotel vào giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình không phải là nhà ở của chủ sở hữu condotel. Đồng thời, đề nghị quy định trách nhiệm bảo trì, kinh phí bảo trì, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và cơ chế quản lý vận hành đối với tòa nhà condotel.

DiaOcOnline.vn – Theo PLO