Giấc mơ Đà Nẵng: Còn gì sau cơn sốt đất?

Cập nhật 21/01/2016 09:46

Nguồn thu từ khai thác quĩ đất những năm trước từ 5.000 – 5.500 tỷ. Đến 2014 và 2015 nguồn thu này giảm chỉ còn 1.500 tỷ đồng/năm; sụt giảm hơn 3 lần.

Khó khăn trước mắt

“Thành công trong đầu tư phát triển Đà Nẵng như hôm nay là nhờ khai thác quỹ đất để đầu tư làm hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay thế mạnh này không còn nữa bởi quĩ đất sẽ dần cạn kiệt”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Võ Như Khương nói tại lớp Tập huấn chương trình đào tạo cao cấp về quản trị doanh nghiệp tổ chức tại Đà Nẵng hôm đầu tháng 12-2015.

Báo cáo thu chi ngân sách TP. Đà Nẵng trong 5 năm 2010-2015 khẳng định nguồn thu từ khai thác quĩ đất giữ vai trò quyết định để thành phố đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm qua.

Nhiều dự án bị bỏ hoang bởi không có tiền để đầu tư.

Nếu tính từ năm 2011 trở về trước, nguồn thu từ khai thác quĩ đất đóng góp cho ngân sách TP từ 5.000 – 5.500 tỷ. Đến năm 2014 và 2015 nguồn thu này giảm chỉ còn 1.500 tỷ đồng/năm. Nghĩa là nguồn thu từ khai thác quĩ đất sụt giảm hơn 3 lần.

Ngay trong năm 2012, lần đầu tiên sau 15 năm chia tách tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, thu ngân sách thành phố Đà Nẵng không đạt dự toán đặt ra do thị trường bất động sản đóng băng, thu ngân sách toàn thành phố đạt 10.000 tỷ đồng, chỉ bằng 81,1% dự toán. Trong tổng nguồn thu 10.000 tỷ đồng này, nguồn thu từ khai thác quĩ đất chỉ đạt 37,1%.

Còn nhớ trong thời khắc khó khăn về nguồn thu ngân sách sụt giảm, tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng năm 2012, cố Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã khẳng định đây là năm mà thành phố phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức chưa từng có trong lịch sử kể từ ngày chia tách.

Nguồn thu ngân sách năm 2015 của Đà Nẵng đạt hơn 14.500 tỷ đồng. Nhưng nguồn chi đã hơn 13.000 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Lĩnh, Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng như nhiều đại biểu đã tỏ ra lo lắng với nguồn thu chi từ ngân sách của Đà Nẵng rồi đây không biết lấy tiền đâu để duy tu bảo dưỡng các công trình hiện có chứ chưa nói đến đầu tư để phát triển.

Theo tính toán của ông Lĩnh cũng như nhiều đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng cho biết bắt đầu từ năm 2017, mỗi năm TP. phải chi 1.700 tỷ để trả nợ, khoảng chi để trả nợ này cộng với các chi phi đầu tư phát triển, chi phí duy tu, bảo dưỡng các công trình rất lớn liệu có cân đối được nguồn thu và chi.

Ông Lĩnh cho rằng bắt đầu từ năm 2017, nếu mỗi năm không thu được trên 20.000 tỷ đồng thì Đà Nẵng sẽ đối mặt với khó khăn như năm 2012 là khó tránh khỏi.

Tìm nguồn lực mới

Không thể dựa mãi vào quỹ đất mà phải bắt đầu từ sản xuất kinh doanh mới phát triển bền vững”, đây là thông điệp của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh tại Hội nghị thông báo kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ 12 ngày 21/10/2015.

Ông Võ Duy Khương – PCT UBND Đà Nẵng cho biết: lãnh đạo TP Đà Nẵng thống nhất việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp để làm động lực phát triển Đà Nẵng một cách bền vững.

Khai thác quĩ đất không còn là nguồn thu chính của Đà Nẵng

Định hướng của Đà Nẵng là ngày trong năm 2016 và những năm đến tập trung thu hút đầu tư những dự án lớn vào Đà Nẵng. Đồng thời ưu tiên những nhà đầu tư chiến lược để đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Ông Phan Hải – Giám đốc Công ty giày BQ cho rằng để Đà Nẵng phát triển bền vững ngoài đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, Đà Nẵng cần tập trung phát triển kinh tế tư nhân. Đây là động lực mạnh góp phần để Đà Nẵng phát triển bền vững.

Ông Hải cho rằng trước mắt và lâu dài cần nhanh chóng mời gọi và thu hút những dự án lớn mang tính lan tỏa để làm động lực phát triển của thành phố. Để thu hút được cần phải nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao và cần có những chính sách cụ thể hơn đối với nền kinh tế tư nhân.

Phát biểu tại Hội nghị thông báo kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ 12 do Ban Tuyên giáo Đà Nẵng tổ chức vào ngày 21/10/2015, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết:” Trong 5 năm qua, mức thu ngân sách của TP quanh quẩn ở mức từ 10.000 tỷ đến 11.000 tỷ đồng. Trong khi đó, người anh em Quảng Nam đã vượt lên nhờ vào đầu tư phát triển công nghiệp.”

“Sau hơn 18 năm xây dựng, Đà Nẵng đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư rất tốt. Thế nhưng tiềm lực kinh tế hiện nay thì chưa tương xứng. Chúng ta đang xây những cái nhà rất to nhưng nội thất bên trong chưa có gì cả. Mặc rất đẹp nhưng tối về ăn mì tôm”, Bí thư Xuân Anh nói.

Theo ông Anh, mục tiêu Đà Nẵng đặt ra là kêu gọi thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào Đà Nẵng giống như Quảng Nam có Trường Hải và sắp đến dự án đô thị mới Nam Hội An có nguồn vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD hay như Bắc Ninh có dự án Samsung, Hon da…

Đây là kế hoạch cũng như chiến lược để Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai không trông chờ, ỷ lại vào nguồn thu từ đất.


DiaOcOnline.vn - Theo Vef