Giá vàng “quay cuồng”, giá đất “đủng đỉnh”

Cập nhật 12/11/2010 16:25

Diễn biến bất thường của giá vàng chưa tác động nhiều đến thị trường địa ốc, do các giao dịch chủ yếu được thanh toán bằng VND.

Thị trường vàng trong nước ghi nhận sự biến động bất thường nhất trong vòng 1 năm qua, khi có thời điểm lên tới 36 - 38,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) vào ngày 9/11. Chỉ 1 ngày sau, giá vàng lại điều chỉnh xuống mức 36,5 - 36,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Theo quy luật, các thị trường như vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản, tín dụng luôn có sự liên thông. Tuy nhiên, giá vàng tăng chóng mặt dường như không gây xáo trộn lớn đến “người anh em” là thị trường bất động sản.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, giá vàng chỉ tác động đến thị trường vốn bất động sản ở một mức độ nào đó, chứ không tác động trực tiếp đến giá bất động sản.

Số liệu thống kê chỉ số giá của Tổng cục Thống kê cho thấy, suốt 3 năm nay, thị trường vàng liên tục biến động không theo quy luật, lúc lên rất cao, lúc xuống rất thấp. Trong khi đó, giá bất động sản vẫn đi theo quy luật thực tế.

Điều này chứng tỏ, giữa giá bất động sản và giá vàng chưa có mối liên hệ trên đồ thị này. Hiện thói quen giao dịch bằng vàng, quy giá đất ra vàng của người dân đã thay đổi, mà giao dịch chủ yếu bằng tiền đồng.

Theo nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, suốt thời gian qua, giá bất động sản tương đối ổn định. Giá đầu vào của ngành xây dựng không biến động nhiều, đặc biệt là xi măng gần như 10 năm nay không thay đổi, một số vật liệu khác (sắt, thép) có tăng, nhưng không quá đột biến.

“Giá bất động sản không phụ thuộc nhiều vào sự lên - xuống của giá vàng, mà phụ thuộc chủ yếu vào giá đất và giá xây dựng cơ bản”, ông Nam nói.

Thông tin từ các sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cũng cho thấy, các sàn vẫn thanh toán bằng VND và hầu như không áp dụng phương thức thanh toán bằng vàng. Vì vậy, thời gian qua, có nhiều yếu tố tác động đến giao dịch của thị trường bất động sản, chủ yếu là do những chính sách điều tiết của Nhà nước đối với lĩnh vực này và quan hệ cung - cầu trên thị trường, chứ không phải vì lý do từ biến động giá vàng.

Ông Nguyễn Quang Điền, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Thăng Long cho rằng, giá vàng tăng không ảnh hưởng đến giao dịch căn hộ, hoặc chung cư cao cấp, bởi người mua có thói quen thanh toán bằng tiền mặt hoặc USD. “Thực tế, sự trầm lắng của thị trường bất động sản thời gian này là do quy định siết chặt vốn vay của các ngân hàng. Hơn nữa, vấn đề suy thoái và lạm phát làm nao núng các nhà đầu tư, nên họ thận trọng hơn trong đầu tư”, ông Điền nhận định.

So sánh giá đất thời điểm giá vàng dưới mốc 30 triệu đồng/lượng và thời điểm hiện tại, thì giá bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu tăng. Có chăng, tại một số địa điểm ở phía Tây Hà Nội, nơi có hạ tầng tốt và là “bệ đỡ” cho quy hoạch chung đang sắp được phê duyệt như: Mỹ Đình, ven đường Lê Văn Lương, Đại lộ Thăng Long, Văn Khê - Văn Phú, giá đất tăng nhẹ (khoảng 10%). Còn ở hầu hết các khu vực khác, giá không biến động nhiều.

Tuy giá vàng không tác động nhiều đến giá bất động sản, nhưng cũng có những ảnh hưởng nhất định. Đó là việc các nhà đầu tư bị cuốn vào thị trường vàng, làm giảm phần vốn đầu tư vào thị trường bất động sản.

Các chuyên gia cho rằng, dù tính thanh khoản thấp, nhưng trên thực tế, suốt một thời gian dài, đầu tư vào bất động sản vẫn an toàn hơn cả.

Ông Lê Liên Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phát đánh giá, sự điều tiết về giá của Nhà nước đối với thị trường vàng nhạy cảm hơn so với thị trường nhà đất. Những chính sách điều tiết thị trường vàng thay đổi liên tục, nhiều khi là sự mạo hiểm, rủi ro cho nhà đầu tư. Do đó, việc rút đầu tư từ bất động sản để chuyển sang kênh vàng là quá mạo hiểm.

Nhu cầu mua nhà thực tế của người dân thời điểm này đang rất cao và bất động sản hứa hẹn là lĩnh vực đầu tư thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian tới, thay vì “cuốn” vào lướt sóng vàng như hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Stockbiz