Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM đã hiểu sai về thời điểm có hiệu lực của “giấy trắng”.
Sau ngày 1.1.2008, “giấy trắng” vẫn được giao dịch bình thường. Khẳng định này của ông Nguyễn Khải, Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đang làm nhiều người băn khoăn về hiệu lực thực sự của “giấy trắng”. Đến ngày 1.1.2008, “giấy trắng” sẽ hết thời như nhận định lâu nay của nhiều người hay tiếp tục yên vị như phát biểu của ông Nguyễn Khải?
Ông Nguyễn Khải phân tích: Theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 84 thì kể từ ngày 1.1.2008, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận mới được giao dịch. Tuy nhiên, khoản 2 điều này có mở thêm hai đối tượng ngoại lệ, không bị mốc thời gian trên chi phối.
Đó là những trường hợp đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận trước ngày 1.11.2007 mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận; người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất như quy định tại các khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai. Như vậy, người có “giấy trắng” theo điều khoản này của Luật Đất đai có thể yên tâm về hiệu lực lâu dài của nó.
Đồng thuận, ông Đào Anh Kiệt, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng xác định “giấy trắng” vẫn được giao dịch sau ngày 1.1.2008. Theo ông, việc thống nhất các loại giấy tờ nhà, đất là đúng đắn nhưng phải thống nhất như thế nào để không ảnh hưởng đến quyền lợi của dân. Nghị định 84 không yêu cầu người dân phải đi đổi “giấy trắng”. Nếu trước nay Sở TN&MT vẫn hiểu như thế thì tiếc là Sở Xây dựng lại hiểu nhầm.
Ngược lại, một cán bộ Sở Xây dựng vẫn tiếp tục cho rằng nếu thực hiện theo Điều 66 trên thì “giấy trắng” phải được đổi. Khoản 2 Điều 66 chỉ quy định một trường hợp được du di là đang xin đổi “giấy trắng” trước ngày 1.11.2007 nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đây là hai điều kiện cần và đủ đi liền cho một trường hợp.
Theo vị này, cách giải thích của ông Nguyễn Khải là không hợp lý. Nếu khoản 2 điều 66 cho “giấy trắng” được thoải mái giao dịch thì sẽ mâu thuẫn với khoản 1 Điều 66 (tức sau ngày 1.1.2008, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận mới được giao dịch).
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết quan điểm của Sở là muốn thực hiện theo Luật Nhà ở, không buộc đổi “giấy trắng”. Ngặt nỗi, Nghị định 84 lại khống chế về thời hạn giao dịch của “giấy trắng” khiến ông rất băn khoăn. Ông cho biết thêm, trong cuộc họp vào ngày 17 - 12 qua, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo sau ngày 1.1.2008, “giấy trắng” phải được đổi rồi mới được giao dịch.
Theo chúng tôi, sở dĩ có hai cách hiểu khác biệt trên là do cách dùng từ nối “và” giữa hai mệnh đề tại khoản 2 Điều 66.
Cụ thể, điều khoản này quy định: “Trường hợp trước ngày 1 tháng 11 năm 2007, người sử dụng đất đã nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận và người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai thì vẫn được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.
Theo tiến sĩ ngôn ngữ học Lê Khắc Cường, từ “và”, “hoặc” có sự khác nhau rất rõ và dễ phân biệt. Khi sử dụng từ nối “và” thì có nghĩa đó là hai điều kiện cần và đủ cho một trường hợp.
Đối chiếu với cách phân biệt này, phải hiểu như Sở Xây dựng và UBND TP chứ không thể hiểu như ông Nguyễn Khải? Có lẽ lãnh đạo Bộ TN&MT phải sớm “gút” việc này để đâu đó rõ ràng, tránh những hoang mang không đáng có.
Các loại “giấy trắng”
Đó là: bằng khoán điền thổ, văn tự đoạn mãi bất động sản, văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở, tờ di chúc hoặc tờ thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở, giấy phép cho xây cất nhà của chính quyền cũ cấp trước năm 1975.
Quyết định, Giấy phép hoặc giấy chứng nhận do UBND quận, huyện, UBND thành phố cấp, các loại giấy có nội dung công nhận sở hữu nhà do Sở Xây dựng, Sở Quản lý nhà đất và công trình công cộng, Sở Nhà đất, Ban Quản lý ruộng đất, Sở Địa chính, Sở Địa chính - Nhà đất, Kiến trúc sư trưởng cấp v.v...
Theo Pháp Luật TP.HCM