Gia tăng vốn ngoại vào bất động sản

Cập nhật 14/03/2018 09:58

Thị trường bất động sản đã chứng kiến sự sôi động của nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập của nhà đầu tư trong và nước ngoài. Xu hướng này tiếp tục được dự báo kéo dài trong năm 2018, qua đó giúp thị trường thêm nguồn lực, tăng tính cạnh tranh, đem lại lợi ích nhiều hơn cho người mua nhà.

Việc gia tăng vốn ngoại giúp thị trường bất động sản thêm nguồn cung. Ảnh: Nhật Nam

Cân bằng về cách đầu tư

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Jones Lang LaSale Việt Nam (JLL) Stephen Wyatt, thị trường bất động sản Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập. Hình thức liên doanh giữa các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tài chính và kinh nghiệm với các tập đoàn trong nước - những nhà đầu tư đang nắm quyền sử dụng đất đai, diễn ra khá phổ biến.

Cuối năm 2017, Kajima - một trong 4 tập đoàn nhà thầu lớn nhất Nhật Bản đã liên doanh với Indochina Capital, với tổng vốn lên tới 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Ban đầu, liên doanh này sẽ tập trung vào các dự án nhà ở, nghỉ dưỡng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Trước đó, Công ty Keppel Land (Singapore) thông qua công ty thành viên Krystal Investment Pte., Ltd Hongkong Land trở thành đối tác chiến lược của Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh để phát triển nhà ở tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại Hà Nội, Tập đoàn BRG cũng hợp tác với các đối tác Nhật Bản để phát triển khu đô thị thông minh, hiện đại phía Bắc sông Hồng…

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, năm 2017, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ ba về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (kể cả vốn trực tiếp - FDI và vốn góp mua cổ phần), với 3,05 tỷ USD. Tương ứng với giá trị, dòng vốn này đã mang đến nhiều lợi thế cho thị trường Việt Nam. Đó là nguồn lực phát triển, giúp đẩy nhanh hơn nữa quá trình tăng trưởng; là kinh nghiệm quản trị, phát triển dự án giúp thị trường Việt Nam tiến gần hơn với các nước phát triển. Việc nhà đầu tư nước ngoài liên kết, hợp tác giúp giảm áp lực lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng; đồng thời tăng tính cạnh tranh, đem lại lợi ích nhiều hơn cho người mua nhà. Sự đa dạng thành phần tham dự cũng là yếu tố mang lại sự cân bằng về cách đầu tư, sản phẩm, thanh khoản cho các thương vụ mua bán, sáp nhập, hợp tác.

Tiếp tục sôi động

Tuy những thương vụ đầu tư, mua bán, sáp nhập lớn chưa nhiều do thị trường bất động sản Việt Nam còn non trẻ, thủ tục liên quan đến chuyển nhượng dự án bị kéo dài; rủi ro về pháp lý và phức tạp về đền bù, giải phóng mặt bằng… buộc nhà đầu tư phải cân nhắc, song nhìn chung các chuyên gia nhận định xu hướng này tiếp tục sôi động trong năm 2018.

Theo ông Stephen Wyatt, hiện đang là thời điểm nhà đầu tư nước ngoài tìm cách vào Việt Nam để tận dụng cơ hội từ tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và các chính sách thu hút đầu tư, kinh doanh ngày càng cởi mở. Bên cạnh phân khúc khách sạn luôn thu hút sự quan tâm trong thời gian qua, dự báo những thị trường khác như khu công nghiệp, giáo dục sẽ không ngừng tăng trưởng.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương nhận định, nếu như trước đây, nhà đầu tư nước ngoài chỉ tham gia ở nhóm bất động sản thương mại (trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, cao ốc văn phòng…) thì hiện tại diễn ra sôi nổi tại phân khúc nhà ở, thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước. Đối với họ, một thị trường bất động sản gần 100 triệu dân, với cơ cấu dân số trẻ là cơ hội vô cùng hấp dẫn. Thêm vào đó, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang, việc ngày càng có nhiều người trẻ có xu hướng ra ở riêng sau khi lập gia đình hoặc vừa đi làm, đã thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu nhà ở.

Lý giải về hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập đang được triển khai sôi nổi bởi các nhà đầu tư Châu Á hơn là các đại diện Châu Âu - Mỹ, ông Sử Ngọc Khương cho rằng, là do yếu tố khác biệt về văn hóa, địa lý dẫn tới khác biệt về thị trường. Điều đó không có nghĩa nhà đầu tư Âu - Mỹ bỏ qua thị trường Việt Nam. "Có thể họ không tham gia xây dựng dự án nhưng lại tập trung cung cấp dịch vụ liên quan, như quản lý vận hành, nghiên cứu thị trường, tư vấn đầu tư, kết nối khu công nghiệp…, với những thương hiệu lớn" - ông Khương cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới