Gia tăng dự án “treo”

Cập nhật 20/12/2013 13:18

Trong năm qua, thị trường bất động sản "đóng băng" khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng tới việc thực hiện các dự án. Hàng loạt dự án vi phạm, chậm triển khai, được TP Hà Nội đề nghị thu hồi lên tới hơn 9,6 triệu mét vuông đất.

131 dự án chậm triển khai

Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, từ năm 2010 đến 2013, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 936 dự án. Trong đó, tính đến hết tháng 9 là 226 dự án.

Dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính đã bị “treo” từ nhiều năm nay. Ảnh: Hải Linh

Qua thanh, kiểm tra, Sở TN&MT phát hiện 131 dự án (diện tích 16.184.000m2) chậm triển khai công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn. Trong đó, 41 dự án chưa triển khai do quyết định hết hiệu lực, các chủ đầu tư không liên hệ với địa phương để thực hiện. Sở TN&MT đang thực hiện kiểm tra, đề xuất xử lý thu hồi theo quy định. Đối với nhóm các dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, Sở TN&MT đã xử phạt hoặc trình UBND TP xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 122 triệu đồng, yêu cầu các tổ chức khắc phục các hành vi vi phạm Luật Đất đai. Trong năm 2013, UBND TP Hà Nội đã thu hồi đất đối với 11 tổ chức với 13 quyết định thu hồi đất. Tổng diện tích thu hồi lên tới 9.678.406m2. Trong số diện tích thu hồi, dự án Khu đô thị Tây Quốc Oai (huyện Quốc Oai) chiếm tới hơn 9,4 triệu m2. Do không còn phù hợp quy hoạch nên chủ đầu tư đã đề xuất với UBND TP Hà Nội được giao lại đất dự án. Ngoài ra, Sở TN&MT đã có kết luận thanh tra và UBND TP đang xem xét chỉ đạo việc lập hồ sơ thu hồi đất đối với 3 dự án, diện tích dự kiến thu hồi 33.921m2 đất.

Khó khăn trong công tác xử lý

Lý giải nguyên nhân gia tăng dự án "treo", lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, do các tổ chức không đủ năng lực thực hiện dự án, hoặc gặp khó khăn về nguồn vốn. Thị trường bất động sản "đóng băng" cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không vay được vốn từ ngân hàng, không huy động được vốn từ đối tác đầu tư, người mua nhà nên không thực hiện được dự án theo tiến độ. Một số dự án phải dừng lại để chờ rà soát sau khi hợp nhất Thủ đô Hà Nội, trong đó có dự án không còn phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Một số tổ chức chỉ sử dụng một phần diện tích đất được giao đúng quy định, diện tích còn lại sử dụng đất không đúng mục đích: Cho thuê nhà xưởng, mặt bằng, liên doanh, liên kết trái quy định.

Thực tế thanh tra cho thấy, nhiều vướng mắc, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác xử lý. Nhiều đơn vị sử dụng đất không hợp tác khi cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ: Vắng mặt khi có đoàn thanh tra, chậm cung cấp tài liệu hồ sơ liên quan đến diện tích đất thanh tra, thay đổi địa điểm trụ sở hoạt động, thay đổi pháp nhân… gây khó khăn cho công tác thanh tra.

Ưu tiên xây dựng các công trình công cộng

Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng chậm triển khai dự án, vi phạm pháp luật đất đai, UBND TP Hà Nội yêu cầu, đối với dự án đã được gia hạn, phải nhanh chóng khắc phục vi phạm. Đối với các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, phải thu hồi để ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, trường học… hoặc tìm đối tác để chuyển nhượng, liên doanh liên kết...

UBND các quận, huyện, thị xã phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các dự án. Khi hết thời hạn, nếu doanh nghiệp không hoàn thành theo tiến độ, quận, huyện, thị xã phải báo cáo UBND TP và phối hợp với Sở TN&MT lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định. Đồng thời, TP giao Sở KH&ĐT rà soát các dự án đã được giao chủ đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thực hiện theo tiến độ, chủ động thanh tra, kiểm tra và làm các thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với những vi phạm theo quy định của pháp luật.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị