Chỉ còn kinh doanh một số nhóm mặt hàng đem lại lợi nhuận cao là tồn tại được ở chợ Bến Thành. |
Giá sang nhượng một mét vuông sạp chợ ở Bến Thành (TP.HCM) thời điểm năm 2006 được rao lên đến 230 lượng vàng, tương đương 173.000 USD.
Nay tình hình đã khác. Nhiều chủ sạp kinh doanh lâu năm ở chợ Bến Thành tỏ ra tiếc vì đã bỏ mất cơ hội sang sạp (mỗi sạp có diện tích trung bình khoảng từ 2 - 3m2) ở các lối đi phía trong khu chữ thập nối liền cửa Đông - Tây và Nam - Bắc từng có thời điểm lên đến 200 - 300 lượng/sạp cách nay bốn năm năm. Bởi hiện một số sạp nằm ở khu vực này và khu vực ăn uống rao sang nhượng với giá khoảng 20 - 50 lượng/sạp nhưng vẫn không có khách mua.
Thổi giá lên cho sang
Bà Diệu, chủ sạp bán giày dép cho biết, lúc đầu bà có ý định mua thêm một sạp đang rao bán (nằm sát sạp của bà) để mở rộng diện tích kinh doanh, nhưng sau đó không mua nữa. Bà Diệu phân tích, nếu mở rộng diện tích thì phải bán mặt hàng khác để có khách mới, còn cũng kinh doanh giày dép thì khả năng doanh thu tăng gấp đôi so với hiện nay là rất khó. Trường hợp mua sạp để cho thuê, mỗi tháng thu chừng 35 triệu đồng, tính ra gần chục năm mới thu hồi được vốn.
“Đầu tư kiểu này cũng giống như mua nhà rồi cho thuê. Tuy nhiên, mua nhà dễ bán lại cho người khác khi cần, trong khi sạp chợ thì ngày càng khó bán. Đó là chưa kể đến việc liệu trong mười năm tới chợ có chắc chắn vẫn giữ y bây giờ hay sẽ bị thay đổi?!”, bà Diệu nói.
Cùng suy tính như bà Diệu, nên nhiều chủ sạp khác không mặn mà với việc mua thêm sạp. Ngay cả những chủ kinh doanh đang phải thuê sạp để bán hàng cũng không muốn bỏ tiền ra mua chỗ kinh doanh cố định.
Chị An đang thuê sạp đôi với giá 45 triệu/tháng bán hàng phụ kiện thời trang, cho biết: “Chi phí thuê sạp và thuê nhân viên bán hàng lên đến 60 triệu/tháng. Do đó, mua sạp sẽ tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí. Song bỏ vốn lớn phải tính đường dài, mà thị trường hiện nay thay đổi rất nhanh”. Hiện nay chợ Bến Thành vẫn thu hút khá đông khách từ các tỉnh, dân Sài Gòn và khách du lịch vào mua hàng, nhất là thời trang ngoại nhập. Tuy nhiên, chị Diệu lo lắng: “Một hai năm tới khi các trung tâm thương mại hiện đại, thoáng mát mọc lên hàng loạt thì khách ghé chợ mua sắm có thể không còn đông nữa”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng có tình trạng tiểu thương tại chợ này “thổi giá sang bán sạp lên cao cho sang”. Bà Tám bán nước giải khát ở chợ Bến Thành hơn 37 năm nói từ trước đến giờ, bà chưa thấy có ai sang được sạp trên 500 lượng cả. Cách đây hơn bốn năm, có người sang được sạp 180 lượng thì nói là giá 300 lượng. Có người sang sạp với giá 60 lượng thì nói là 120 lượng. “Họ thổi giá lên để có thể cho thuê cao và để chứng minh là có vốn lớn đặng dễ làm ăn hơn”, bà Tám kết luận.
Chợ Bến Thành hiện có khoảng 1.450 hộ đang kinh doanh trên diện tích 13.056m2. Chợ ở vị trí đắc địa nhất Sài Gòn với bốn mặt tiền là bốn con đường gồm Phan Bội Châu, Lê Lợi, Phan Châu Trinh và Lê Thánh Tôn bao quanh; chợ có đến 16 cửa ra vào.
Một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài từng nhận xét chợ Bến Thành là một trong những nơi có giá đất đắt đỏ nhất thế giới, vượt xa cả khu Ginza, Tokyo, Nhật Bản – nơi trước đó được xem là đắt nhất thế giới với giá khoảng 130.000 USD/m2. |
Theo một số tiểu thương, hiện nay dù giá sạp tại chợ Bến Thành đã giảm so trước đây nhưng vẫn còn cao, lên đến hàng tỉ đồng/m2. Mức giá này cao hơn trung bình khoảng ba lần so với các chợ ở các quận trung tâm thành phố, còn so với các chợ xa trung tâm thì cao hơn đến hàng chục lần.
Thay đổi mặt hàng
Người tiêu dùng vào chợ Bến Thành bây giờ khó tìm mua được những mặt hàng thông dụng mà chợ nào cũng bày bán nhiều như thau nhôm nhựa, đồ dùng cho cá nhân, dụng cụ nấu bếp… Thay vào đó là những mặt hàng cao cấp. Điều này được cho là để tương ứng với giá mặt bằng. Ví dụ: dãy hàng tạp hoá trước đây nay hầu hết đã được chuyển thành các sạp bán hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, phụ kiện thời trang, trang trí nội thất…
Những chủ sạp từng kinh doanh ở chợ như ông S. (kinh doanh hàng gia dụng), cho rằng: “Bán hàng nhôm nhựa, khăn mặt hay xà bông như trước đây không thể lãi được trên 1 triệu đồng/ngày. Chỉ có bán hàng thời trang, hàng lưu niệm… mới lãi nhiều”. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm kinh doanh những mặt hàng này, nên ông cho thuê sạp đôi ở gần cửa số 5 chợ Bến Thành với hơn 40 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó bà Hương, một tiểu thương đã có hơn 40 năm buôn bán ở chợ quyết định không cho thuê, dù sạp đôi của bà ở vị trí đẹp nên nếu cho thuê sẽ thu được gần 50 triệu đồng/tháng. Bà giải thích nếu lãi mỗi ngày được 2 triệu đồng, thì cho thuê khoẻ hơn. Nhưng bà chọn cách bám trụ, bán lẻ tại chỗ với mức lãi chừng 1 triệu đồng/ngày, đồng thời phát triển mối bán hàng sỉ lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị