Ông Nguyễn Viết Từ, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) từ 2005 - 2015, sau khi về hưu đã trở nên giàu có, hiện sở hữu hàng chục lô đất.
Ngôi biệt thự của ông Nguyễn Viết Từ tại thôn Hải Thế, xã Phong Hải, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế - ẢNH: LÊ TOÀN
|
Về xã Phong Hải, hỏi người dân nào cũng biết ngôi biệt thự đồ sộ trên diện tích hơn 500 m2 ở thôn Hải Thế của vợ chồng ông Nguyễn Viết Từ. Vợ chồng ông Từ còn đang sở hữu 19 lô đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gồm đất ở và đất nuôi trồng thủy sản. Ngoài người con trai đầu đang ở TP.HCM đã có nhà và đất ở P.Tân Thới Nhất, Q.12; người con trai thứ hai của ông cũng có 2 lô được cấp GCNQSDĐ ở xã Phong Hải. Trong số 19 lô đất đứng tên vợ chồng ông Từ, có 10 lô đất ông nhận chuyển nhượng và 8 lô đất được nhà nước cấp theo hình thức công nhận QSDĐ như giao đất, không thu tiền sử dụng đất và 1 lô ở tổ 3, KV.1, P.Vỹ Dạ, TP.Huế, được cấp tháng 8.2003. Ngoài ra, năm 2018, nhóm 21 người vốn là con ruột và bà con dòng họ của ông Từ còn được UBND H.Phong Điền giao hơn 38,3 ha đất nuôi trồng thủy sản tại tiểu khu 54, thôn Hải Đông, xã Phong Hải với thời hạn 50 năm, hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Giàu “siêu tốc”
Làm việc với PV, ông Hồ Đăng Thức, cán bộ địa chính UBND xã Phong Hải, cho biết từ năm 2013, tỉnh có chủ trương đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho người dân. Tại xã Phong Hải, sau khi rà soát có 31 thửa đất (thuộc phía tây tỉnh lộ 22) đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, trong đó hộ vợ chồng ông Từ có 4 thửa, diện tích hơn 1,2 ha. Khi làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ, do ông Từ đương chức là cán bộ không đủ điều kiện cấp, nên ông đã làm hồ sơ đứng tên vợ.
Về khu đất nuôi trồng thủy sản hơn 38,3 ha cấp cho 21 người, trước đây có diện tích hơn 45,4 ha được giao cho Công ty CP ngư nghiệp Đông Phương đầu tư, nhưng nuôi trồng thua lỗ nên đã chuyển nhượng cho Công ty CP chăn nuôi CP VN. Năm 2018, UBND xã Phong Hải có tờ trình xin chuyển đất của dự án về cho người dân phát triển thủy sản, nên UBND tỉnh đã thu hồi đất để UBND H.Phong Điền giao về cho người dân nuôi trồng thủy sản. Thời điểm xin giao đất, ban đầu ông Từ có đứng tên trong danh sách nhưng qua thẩm tra, ông Từ không thuộc diện được cấp nên xã đã lập danh sách đề nghị cấp cho 21 người nêu trên. Lý do: vì nhóm người này đã bỏ tiền hơn 900 triệu đồng nộp về Trung tâm phát triển quỹ đất H.Phong Điền để trả lại tài sản trên đất của Công ty CP chăn nuôi CP VN.
Theo tìm hiểu của PV, vào thời điểm từ năm 2008 - 2011, khi còn đương chức, ông Từ trong kê khai tài sản cán bộ có 1 nhà cấp 4 (lần sau thành cấp 3) với diện tích sử dụng 237 m2; có 1 lô đất ở đô thị và nhà cấp 4 tại TP.HCM, diện tích 89,2 m2, 1 ô tô Hyundai Tucson và 0,5 ha đất nuôi trồng thủy sản, tổng thu nhập 8 triệu đồng/tháng (3 triệu đồng tiền lương, 5 triệu đồng thu nhập khác). Đến hai năm 2013 và 2014, tức trước khi nghỉ hưu, ông Từ kê khai tài sản gồm nhà cấp 4 (công trình cấp 3) diện tích 410 m2, trị giá 500 triệu đồng tại thôn Hải Thế, xã Phong Hải; 1 nhà ở đường Tân Thới Nhất 21 (Q.12, TP.HCM), diện tích 89,2 m2 (công trình cấp 2) trị giá 2,5 tỉ đồng; 1,2 ha nuôi trồng thủy sản ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải, trị giá 1 tỉ đồng; 1 ô tô tải trị giá 356 triệu đồng; tổng thu nhập 78 triệu đồng/năm. Nhìn vào tài sản và nguồn thu như kê khai so với tài sản hiện nay, có lẽ ai cũng phải thán phục về khả năng làm giàu “siêu tốc” của ông cựu Chủ tịch xã Phong Hải.
Bà Hoàng Thị Thu bên lô đất tái định cư được cấp nhưng tiền hỗ trợ đã bị “ăn chặn” - ẢNH: B.N.L
|
Nhiều sai phạm đến nay chưa giải quyết xong
Thời điểm ông Từ làm Chủ tịch UBND xã và cả hiện nay, nhiều con cháu, người thân của ông cũng giữ các chức vụ quan trọng tại UBND xã Phong Hải. Cụ thể: ông Nguyễn Trọng Tưởng, hiện là Phó chủ tịch UBND xã, cháu ruột ông Từ; ông Nguyễn Mạnh, đảng ủy viên, cán bộ Văn phòng UBND xã, cháu ruột ông Từ; ông Nguyễn Ngọc Thuật, đảng ủy viên, Phó chủ tịch HĐND xã, cháu ruột ông Từ; ông Hồ Xuân Trinh, đảng ủy viên, trưởng công an xã, bà con vợ ông Từ… Trong số này, ông Tưởng hiện vẫn chưa có bằng đại học, Huyện ủy H.Phong Điền đã có kết luận ông Tưởng không đủ điều kiện làm Phó chủ tịch UBND xã theo quy định tại Kết luận 03/2017 nhưng xã vẫn viện dẫn lý do đặc thù để cơ cấu chức danh Phó chủ tịch UBND xã.
Cũng trong thời gian ông Từ đương chức, UBND xã có nhiều việc làm gây nhiều bức xúc trong dân. Cụ thể, từ năm 2007 - 2014, thực hiện chính sách tái định cư (TĐC) người dân vùng sạt lở ven biển, tại xã Phong Hải có 143 hộ vùng sạt lở, hộ nghèo thuộc diện di dân TĐC.
Theo ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, qua rà soát mới đây đã có 57/143 trường hợp cấp sai đối tượng, trong đó có cả ông Nguyễn Mạnh (cháu ruột ông Từ, hiện là cán bộ Văn phòng UBND xã) vẫn được cấp đất và nhận hỗ trợ 10 triệu đồng. Trong khi đó, có 8 hộ dân nằm trong diện TĐC nhưng đã bị ai đó giả mạo hồ sơ, chữ ký để nhận tiền hỗ trợ TĐC. Đáng thương nhất là hộ bà Hoàng Thị Thu (thôn Hải Thành) có nhận đất TĐC nhưng số tiền hỗ trợ của nhà nước đã bị người khác giả mạo hồ sơ ký khống để chiếm đoạt. Đối chiếu hồ sơ thì số CMND trong danh sách ký nhận tiền với số trên giấy CMND của bà Thu là khác nhau. Bà Thu đã nhiều lần đến UBND xã để khiếu nại nhưng đều không được giải quyết và do không có tiền nên đến nay vẫn chưa làm nhà được. Trường hợp anh Hồ Thạnh (thôn Hải Thành) cũng bị giả mạo chữ ký để chiếm tiền hỗ trợ TĐC…
Ông Phan Khánh còn cho biết, qua rà soát hồ sơ thời điểm ông Từ làm chủ tịch đã chỉ đạo và trực tiếp lạm thu nhiều khoản trái pháp luật với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng, như: thu tiền làm thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài, thu phí hồ tôm của người dân và HTX, thu của Công ty TNHH MTV khoáng sản Thừa Thiên-Huế khi khai thác mỏ titan trên địa bàn xã. Các khoản thu này đều được ký khống nhận tiền và được dùng để chi trả vào việc mua nước mắm từ cơ sở Đảnh Vân (do vợ ông Từ là Hồ Thị Vân làm chủ) với số tiền qua các năm lên đến hơn 765 triệu đồng. Hiện UBND xã vẫn còn nợ tiền nước mắm của bà Vân hơn 138 triệu đồng (có biên bản lưu giữ tại UBND xã)…
Theo ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND H.Phong Điền, thanh tra huyện vẫn đang tiến hành thanh tra công tác quản lý đất đai tại UBND xã Phong Hải. Theo tìm hiểu của PV, quyết định thành lập đoàn thanh tra được Chủ tịch UBND H.Phong Điền ký ngày 26.12.2017, nhưng đến nay vẫn chưa thể kết luận. Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng đang tiến hành thực hiện thanh tra chính sách pháp luật và nhiệm vụ quyền hạn tại HTX nuôi trồng thủy sản Phong Hải 1, có liên quan đến việc thu chi sai nguyên tắc thời ông Từ đương chức.
Ngày 10.9, trả lời PV Thanh Niên, ông Từ xác nhận thời điểm ông làm cán bộ, vợ ông có đứng tên mấy lô đất để làm hồ tôm. Ông nói: "Đây là đất sau khi đã quy hoạch nuôi tôm và ai muốn làm thì bỏ tiền đền bù cho dân để đầu tư làm thôi. Vợ tôi bỏ tiền đền bù cho dân sòng phẳng để làm, sau này huyện cấp giấy cho vợ tôi. Tôi không có liên quan gì”.
Còn khu đất hơn 38,3 ha được giao cho nhóm hộ, ông Từ cũng cho biết trước đó ông và ông Lê Văn Thọ đã bỏ tiền ra bồi thường hơn 900 triệu đồng cho huyện và sau đó UBND huyện cấp cho nhóm hộ 21 người. Ông Từ cũng thừa nhận những người có tên trong danh sách 21 hộ là con cháu, bà con của ông. "Ai cũng là công dân, con cháu gì có nhu cầu làm ăn phát triển kinh tế thì xin huyện cấp thôi. Tôi không có liên quan pháp lý gì đến khu đất này", ông Từ nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên