Giá rẻ vẫn có thể ế?

Cập nhật 16/09/2013 08:25

Trong khi nhiều chủ dự án nhà ở thương mại đang xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội với kỳ vọng sau khi hưởng các ưu đãi về đất, thuế,vốn vay sẽ giảm giá sản phẩm, đẩy được hàng tồn kho... thì hiện nay tại một số dự án nhà thu nhập thấp, khách hàng đã đòi trả lại nhà, không nộp tiền nhận bàn giao nhà...

Thực tế cho thấy thời gian gần đây khách hàng đã không còn mặn mà với nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội.

Mua xong trả lại nhà, không muốn nhận bàn giao nhà

Chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) là Cty cổ phẩn Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai cho biết, hiện có khoảng 30 khách hàng làm đơn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng tại dự án này. Ngoài ra, dự án có gần 120 khách hàng chưa nộp tiền và nhận bàn giao nhà. Trong số đó, nhiều khách hàng còn nợ trên 50% giá trị hợp đồng.

Đây là việc ít người có thể ngờ tới, bởi trước đó, năm 2011 khi dự án này được mở bán, số người đăng ký mua nhà lên đến 3.500 hồ sơ, trên tổng số 860 căn hộ mà chủ đầu tư cung cấp. Phải trải qua nhiều thủ tục xét duyệt khách hàng mới có thể mua được căn hộ ở đây.

Không chỉ tại dự án này, thực tế cho thấy thời gian gần đây khách hàng đã không còn mặn mà với nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội. Một số dự án đã mở bán vẫn chưa được lấp đầy như: Dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Sunny Garden City (Quốc Oai); Dự án Đặng Xá (Gia Lâm); Dự án CT - 08 Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Mê Linh).

Tình trạng trầm lắng tại phân khúc nhà ở được cho là “điểm sáng”, là “cứu cánh” của thị trường bất động sản hiện nay khiến nhiều người quan tâm tới lĩnh vực này phải lo ngại. Tới đây, thị trường tiếp tục đón nhận một loạt dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp triển khai xây dựng. Liệu trong tương lai nguồn cung của phân khúc này có bị dư thừa?

Cần tăng tính cạnh tranh

Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay cả nước đã có  khoảng 167 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, trong đó 34 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành với quy mô 18.850 căn hộ. Hiện đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 34.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.

Trước tình trạng các doanh nghiệp ồ ạt xin chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội, các chuyên gia bất động sản cảnh báo cần phải cân nhắc, nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng hơn. Không phải cứ chuyển sang nhà giá rẻ là có người mua.

Thực tế cho thấy, những dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp bị khách hàng “chê” đều là những dự án quá xa trung tâm và cơ sở hạ tầng còn chưa hoàn thiện, thiếu thốn các tiện ích xã hội như trường học, chợ. Chẳng hạn, dự án nhà thu nhập thấp Khu đô thị Sunny Garden City (Quốc Oai) cách trung tâm Hà Nội 15 – 20 km; Dự án CT - 08 Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Mê Linh) cách 30 km…

Ngay cả dự án Kiến Hưng, mặc dù đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012 nhưng ở đây chỉ có vài toà nhà nằm cách biệt giữa những lô đất để hoang và ruộng lúa.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản liên tục giảm giá, nhiều căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá không cao hơn nhiều so với nhà thu nhập thấp, lại gần khu trung tâm… nên khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.

Trước trào lưu "tiến" sang phân khúc nhà ở xã hội, một số ý kiến phân tích cho rằng, các doanh nghiệp khi tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp cần rút kinh nghiệm, tính toán, xem xét các yếu tố đi kèm theo căn hộ để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Các chuyên gia bất động sản cũng đánh giá rang, nhu cầu về nhà ở thu nhập thấp còn lớn, vấn đề là các dự án chuyển đổi có đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, rút ngắn được khoảng cách về chất lượng giữa nhà ở xã hội và nhà ở thương mại hay không.

Ngoài ra, Nhà nước cần có những biện pháp điều tiết hợp lý, cân nhắc kỹ lưỡng quy hoạch, để tạo sự phát triển hài hòa giữa các phân khúc nhà ở. Bởi nếu không cẩn thận, phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp có thể lại lâm vào tình cảnh khủng hoảng thừa như nhà ở thương mại.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Tài chính