Mới giữa tháng 6 nhưng các phòng trọ ở Hà Nội đã chật kín sinh viên, cùng sĩ tử mùa thi 2009. Giá phòng trọ năm nay tăng từ 200.000 - 300.000 đồng/phòng so với năm trước.
Giá “cắt cổ”
Đến làng Hậu (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), dù tiết trời khá mát mẻ nhưng sinh viên, sĩ tử ở trong các dãy nhà trọ rộng chưa đầy 10m² vẫn cho quạt chạy vù vù mà mồ hôi vẫn bóng nhờn trên trán.
Thí sinh Nguyễn Đình An, quê ở Thái Bình trọ tại số nhà 71, làng Hậu tâm sự: “Những hôm nắng gắt, chủ nhà đi vắng bọn em còn không thể ngồi trong nhà được mà phải mang sách ra ngoài gốc cây to ở đầu ngõ để học. Còn hôm bác chủ ở nhà thì cả bọn kéo nhau lên phòng khách nhà bác học 3 tiếng buổi trưa, mỗi đứa phải 5.000 đồng tiền điện”. Giá các phòng ở đây là 700.000đ/tháng, trong khi phòng cùng loại đang cho sinh viên thuê là 500.000đ/tháng.
Tại ngõ Hoà Bình 7 (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), độ rộng của các phòng trọ không hơn làng Hậu nhưng mức giá được các chủ nhà trọ ấn định 800.000 – 900.000 đồng/tháng.
Làng Phùng Khoang và Thượng Đình, quận Thanh Xuân - nơi tập trung nhiều nhất những phòng trọ tồi tàn - nhưng giá cả vẫn không thua kém những địa điểm khác. Trong vai người đi tìm phòng trọ cho em từ quê ra ôn thi, chúng tôi được giới thiệu cho bà Nguyễn Thị Là, ngõ chợ Phùng Khoang, chủ quán bán chè kiêm nghề môi giới nhà trọ. Bà Là chỉ cho chúng tôi một dãy có tới 12 nhà trọ, cho biết: “Còn một phòng rộng 8m², khu vệ sinh chung với cả dãy giá 700.000 đồng/tháng”.
“Phòng chật mà giá cao quá. Nhà vệ sinh lại liền ngay bể nước ngầm”, tôi mặc cả. Bà Là bực bội: “Phòng trọ thì hiếm, người tìm lại đông. Một đồng cũng không bớt được. Muốn thuê thì đặt tiền luôn không lát nữa sẽ có người thuê lại tiếc hùi hụi. Đấy là học sinh chưa thi đại học đấy, khi gần thi chúng kéo nhau lên Hà Nội, giá có khi còn cao hơn”.
Dịch vụ đi kèm đua nhau “chặt chém"
Ngoài việc phải thuê phòng với giá cao, các sĩ tử còn phải trả các dịch vụ đi kèm với giá “cắt cổ”. Thông thường giá điện các chủ trọ tính cho sĩ tử là 4.000 đồng/kW và nước là 30.000 đồng/người.
Dọc tuyến phố Tạ Quang Bửu và khu vực xung quanh Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, hàng ăn, hàng giải khát tràn ngập vỉa hè. Giờ tan học, sinh viên, học sinh đổ ra ngồi chật kín các quán. Thí sinh luyện thi ở “lò” luyện thi Đa Minh, phố Tạ Quang Bửu cũng sà vào hàng cơm bụi vỉa hè. Các quán vỉa hè này thẳng tay “chặt chém”: trà đá, nhân trần nhạt thếch giá 3.000 đồng/cốc trong khi mức giá bình thường là 1.000 - 1.500 đồng/cốc; nước mía, chè đỗ đen, đỗ xanh các loại giá 6.000 đồng/cốc, cao hơn bình thường 2.000 đồng/cốc; cơm bụi lèo tèo được tính mức giá 15.000 - 20.000 đồng/suất...
Thanh toán tiền nước tại quán Hà béo, chúng tôi thắc mắc vì giá bán quá cao so với những khu vực khác; chủ quán này thẳng thắn: “Khu này đắt là đương nhiên. Chỗ khác đắt thì ai mua, cả năm chị chỉ làm ăn được có một vụ. Mùa đông em đến đây chị bán rẻ cho nhé”.
Thiết nghĩ, mỗi thí sinh cần tự tin hơn với vốn kiến thức mà thầy cô phổ thông trung học đã truyền dạy, ôn luyện tại chỗ, tránh tình trạng đổ lên Hà Nội sớm rồi chật vật với nỗi lo cơm áo, gạo tiền ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả ôn luyện.
Thí sinh Hà Minh Tấn, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tâm sự: “Tiền học thì không tốn, nếu mua thẻ chỉ có 67.000 đồng/tháng, còn học theo buổi thì 20.000 đồng/buổi. Nhưng giá sinh hoạt ở Hà Nội cao quá, không chỉ bố mẹ nghẹt thở mà em cũng thấy hụt hơi. Một ngày chỉ tiền ăn đã mất đến 40.000 đồng, chưa kể tiền đóng học, tiền phòng trọ, điện, nước… Bố mẹ em đều là công nhân, lương tháng cả hai mới được hơn 3 triệu đồng. Trong khi em mới lên Hà Nội 10 ngày đã tiêu hết veo 1,5 triệu đồng”.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình