Đây là hai vấn đề cốt lõi được VnREA tổng kết sau 7 tháng vận động của thị trường địa ốc. Bên cạnh nét xuyên suốt là giá các phân khúc tiếp tục nhích nhẹ (nhu cầu và lượng tiêu thụ giảm ở sản phẩm cao cấp), thì xu hướng M&A đã và đang trỗi dậy mạnh mẽ với sự tham gia tích cực của khối ngoại.

Cơ sở hạ tầng là yếu tố hàng đầu để thúc đẩy M&A địa ốc.
|
Dẫn chứng qua nhiều hạng mục tham chiếu, VnREA nhận định toàn cảnh thị trường BĐS tháng 7 không có nhiều thay đổi. Điểm nhấn chính vẫn là giá các phân khúc tiếp tục nhích lên, trong đó nhu cầu và lượng tiêu thụ tăng ở phân khúc tầm trung, giảm ở sản phẩm cao cấp.
Không nhiều thay đổi
Về yếu tố giá trong tháng 7, thị trường tiếp tục ghi nhận sự tăng giá của hầu hết các phân khúc như căn hộ, nhà phố, đất nền, biệt thự… Giá căn hộ tại một số dự án chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp và trung cấp có mức tăng rõ rệt hơn cả, khoảng 4 – 6% tại các dự án đã hoàn thiện.
Tại thị trường Tp.HCM, giá tăng đều ở các phân khúc trung cấp và cao cấp. So sánh về lượng căn hộ chào bán ra và sức tiêu thụ cho thấy phân khúc BĐS tầm trung đang chiếm ưu thế hơn so với phân khúc cao cấp và hạng sang. Đây cũng chính là lý do nguồn cung phân khúc trung cấp tiếp tục chào thị trường trong tháng 7 – Hiệp hội đánh giá.
Dẫn chứng tiêu biểu như các dự án mới Richmond City, Moonlight Garden của Hưng Thịnh, Diamond Lotus Riverside – Phúc Khang, Citisoho – Kiến Á Group. Với nguồn cung mới tiếp tục bung hàng, các dự án thuộc phân khúc trung cấp có kết quả kinh doanh tốt, chiếm khoảng 37% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường.
Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, cùng thời gian tháng 7, giao dịch có sự chuyển động trái chiều so với Tp.HCM. Theo khảo sát, căn hộ hạng sang chào bán tại thị trường phía Bắc này đang trở lại và áp đảo phân khúc bình dân và trung cấp. Cụ thể, hàng loạt dự án cao cấp được quảng bá rầm rộ như Vinhomes Thăng Long, Thanh Xuân Tower, Aqua Central…
Đối với giá bán, toàn thị trường đều tăng – đặc biệt tại các dự án có vị trí tốt với khoảng cách vừa phải đến trung tâm thành phố, hoặc gần các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang được triển khai.
Trên thị trường thứ cấp, giá thứ cấp bình quân thị trường cũng cải thiện khoảng 1% theo quý nhưng giảm 1,3% theo năm. Trong các phân khúc, phân khúc hạng sang có mức giá tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước, trong khi phân khúc bình dân giữ mức ổn định.
Đáng chú ý, phân khúc tiếp tục “giữ phong độ” trong tháng 7 chính là đất nền, nhà phố. VnREA cho biết, nhu cầu săn tìm mua nhà phố đang có xu hướng tăng lên, kéo theo giá tiếp tục nhích 4 – 12% tùy diện tích, vị trí, khu vực.
FDI, M&A và cái khó của DN
Về phân khúc đất nền, trong tháng tiếp tục ghi nhận nguồn cung chào bán của các các dự án Cát Tường Đức Hòa, Phú Đông Him Lam (Tp.HCM); KĐT Phú Lương, An Nam Khánh (Hà Nội); KĐT Mỹ Phước 4 (Bình Dương)…
Sự bùng nổ của hoạt động M&A diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực, trong đó BĐS là một trong những lĩnh vực được đánh giá là sôi động nhất. Thị trường phục hồi, cùng nhiều chính sách mới thông thoáng hơn đã giúp M&A địa ốc tăng trưởng mạnh. VnREA dự báo, hoạt động này sẽ còn trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Mặc dù thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS từ đầu năm đến nay chỉ chiếm 5% tổng nguồn vốn thu hút, nhưng lĩnh vực này vẫn đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng. Trong đó, số vốn đăng ký mới gần 1 tỷ USD. Nguồn FDI vào BĐS vẫn chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản.
Cùng với việc thu hút nguồn FDI, hoạt động M&A (mua bán – sáp nhập) diễn ra khá thuận lợi. Đặc biệt, khi Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực từ giữa năm 2015 đã cho phép DN được công khai, mua bán và chuyển nhượng dự án – điều kiện thuận lợi đối với hoạt động M&A.
VnREA đánh giá, hoạt động M &A thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản. Việt Nam được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn so với nhiều nước Đông Nam Á khác, vì nền kinh tế và thị trường BĐS đang cải thiện. Từ đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào các tài sản sinh lợi tại những thành phố lớn của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư trong nước khi thực hiện M&A sẽ khó khăn hơn về vốn nếu các ngân hàng thắt chặt hoạt động cho vay – Hiệp hội lưu ý.
Dẫu vậy, Đà Nẵng lại tỏ ra vượt trội về độ hấp dẫn nhà đầu tư. Ưu điểm về hạ tầng, môi trường, sản phẩm đặc thù… đang là lợi thế để hoạt động M&A cũng như BĐS tại Đà Nẵng phát triển.
Theo VnREA, các yếu tố thúc đẩy M&A phát triển mạnh là cơ sở hạ tầng tốt, chính quyền quan tâm hỗ trợ và tạo thuận lợi. Tuy nhiên, muốn M&A diễn ra hiệu quả, đầu tiên cần phải thông tin chính xác về sản phẩm, minh bạch về thông tin.
Đáng chú ý, M&A nếu được giao dịch thành công sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho cả người mua lẫn người bán. Nếu đầu tư một dự án từ ban đầu, khách hàng cần ít nhất vài năm, nhưng qua M&A thì chỉ mất 6 – 8 tháng.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh