Giá nhà vẫn neo ở mức cao dù nhu cầu mua giảm

Cập nhật 05/12/2022 14:06

Nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn là rất cao. Tuy nhiên, giá bất động sản vẫn vượt khả năng chi trả của đại đa số người dân. Cần có những hỗ trợ về quỹ đất, nguồn vốn, pháp lý thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà bình dân.

Báo cáo Diễn biến thị trường cho thuê bất động sản ở các thành phố lớn trong quý III/2022 của Chợ Tốt Nhà chỉ ra, thị trường mua bán bất động sản thời gian qua vẫn không giảm giá. Đơn vị này nhận định, mặc dù nhu cầu của người mua có dấu hiệu hạ nhiệt, song giá bán vẫn không có xu hướng giảm. Điều này dẫn đến đối tượng khách hàng có nhu cầu ở thực không còn quá nhiều lựa chọn và phải tìm phương án đi thuê.

Cùng với đó, các căn hộ ở phân khúc trung cấp và thứ cấp do chưa đảm bảo tính thanh khoản với thị trường cũng được tái đầu tư để phục vụ mục đích cho thuê. Theo Chợ Tốt Nhà, từ nay đến năm 2024, thị trường sẽ đón nhận 26.000 căn hộ hạng A và B được bàn giao, cho thuê. Các dự án căn hộ ngày càng được phát triển với chất lượng tốt, cung cấp đa dạng tiện ích nội khu và được vận hành quản lý chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của khách trong nước cũng như nước ngoài.

Nhu cầu mua hạ nhiệt nhưng giá nhà vẫn không giảm. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Còn số liệu trong 3 quý đầu năm của Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Việt Nam, các phân khúc bất động sản như nhà ở, thương mại, công nghiệp, nghỉ dưỡng đều cho thấy sự phục hồi nhất định sau một thời gian dài chịu tác động của đại dịch. Tuy nhiên, TS.Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam khẳng định, cần nhìn nhận thực tế rằng bức tranh hồi phục không chỉ toàn những gam màu sáng. Theo ông, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với một số khó khăn sau:

Một, nguồn cung hạn chế, các sản phẩm mới trên thị trường chủ yếu có giá trị cao.

Hai, góc độ tài chính bao gồm việc hệ thống ngân hàng thắt chặt tín dụng; Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tăng cao.

Ba, góc độ phát triển dự án, tình trạng tắc nghẽn pháp lý diễn ra trong thời gian dài gây khó khăn cho nguồn cung thị trường, ảnh hưởng đến phương án tài chính của chủ đầu tư dẫn đến giá thành tăng. Cùng với đó, quỹ đất phát triển dự án hạn chế, làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển dự án mới của các chủ đầu tư.

Do đó, để nguồn cung hạng C được cải thiện cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong việc giải quyết các khó khăn như: bổ sung quỹ đất mới; hỗ trợ về nguồn vốn và pháp lý, từ đó thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp với phân khúc này dù biên lợi nhuận chỉ đạt ở mức thấp. Chính phủ đang đẩy mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông nên các thành phố vệ tinh được hưởng lợi, hiện có nhiều dự án nhà ở với giá thành phù hợp hơn cho khách hàng mua nhà tại các đô thị lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương.

“Nhìn chung, nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn tại Việt Nam vẫn cao, đặc biệt từ nhóm khách hàng gia đình trẻ. Tuy nhiên, giá nhà bán cao vượt mức chi trả của người dân, trong khi hệ thống tài chính vẫn chưa có cách thức linh hoạt để hỗ trợ những đối tượng này mua được nhà”, ông Khương cho hay.

Với những tác động kinh tế trong bối cảnh hiện nay, cá nhân chuyên gia dự đoán năm 2023 thị trường bất động sản sẽ chuyển biến khá thận trọng. Về tính thanh khoản của thị trường, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức thanh khoản ổn, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Những phân khúc như bất động sản công nghiệp và văn phòng vẫn hoạt động tốt, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet