Giá nhà đất sẽ như thế nào?

Cập nhật 12/10/2008 14:00

Tâm lý người bán là muốn bán được với giá cao, người mua thì muốn mua với giá rẻ. Nhưng giá hợp lý là giá thuận mua, vừa bán, lúc đó giao dịch mới thành công. Từ nay đến cuối năm, “giá hợp lý” có thể sẽ như thế nào?

Giá vẫn xuống?

Căn cứ vào giao dịch thực tế từ công ty của mình trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10, ông Phạm Hoàng Hữu Bắc, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản (BĐS) Nhà Xanh cho biết: thị trường căn hộ khu vực tây bắc TP.HCM đang giảm giá từ 2 - 3 triệu đồng/m2 tùy vị trí (như dự án căn hộ Thái An 1, 2; dự án căn hộ Phú Yên; dự án căn hộ Thái An Trung Mỹ Tây...).

Còn nền đất dự án thì ông Bắc thừa nhận không có khách hỏi mua, trong khi khách ký gửi rất nhiều (như dự án khu dân cư Ngọc Mai, quận 12; dự án khu dân cư Bà Điểm 1, 2; dự án khu dân cư Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn...). Trong khi đó, công ty vẫn giao dịch thành công nhiều nhà phố khu vực quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, giá từ 500 - 700 triệu đồng/căn, chủ yếu phục vụ con em các gia đình ở các tỉnh đang theo học hay bắt đầu nhập học tại TP.HCM.

“Trong giai đoạn này, nếu không muốn mạo hiểm ở kênh đầu tư chứng khoán thì kênh đầu tư BĐS cũng khá tốt nếu so với mua vàng hoặc gửi tiết kiệm. Nếu chọn lựa được BĐS phù hợp, giá đã xuống đến mức người mua cảm thấy hợp lý thì việc đầu tư vào BĐS có thể thu lợi 20% - 30% sau thời gian trên 1 năm. Hơn nữa, việc nắm giữ BĐS cũng có độ an toàn khá tốt đồng thời có thể hạn chế về sự mất giá của tiền đồng” - chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển.

Bà Huỳnh Kim Đoan, Giám đốc Công ty BĐS Eden cũng ghi nhận, giá căn hộ, đất nền hiện nay “không có lý do” gì để tăng, giao dịch tại công ty mình chủ yếu là căn hộ có sẵn, hoặc sắp bàn giao, còn ký gửi hàng mới hầu như không có. Trên thị trường, rải rác tại một số dự án ở quận 7, 8, 9, 12, huyện Nhà Bè, một số nhà đầu tư chịu khó cất công đi tìm cũng mua được căn hộ, hoặc đất nền với giá thấp hơn giá đăng trên báo, trên mạng.

Không chỉ đối với các doanh nghiệp BĐS, mà người có nhu cầu mua nhà ở thật sự, người có nhu cầu đầu tư cũng phải dựa vào nguồn vốn chính là vay ngân hàng. Nhưng bài học từ việc cho vay mua nhà đất dẫn đến khủng hoảng tài chính ở Mỹ còn đó. Chắc chắn dù có nới dần cho vay BĐS thì các ngân hàng thương mại ở Việt Nam cũng đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu chứ không dám rộng cửa cho vay đầu tư BĐS như năm 2007. Như thế, khi người mua nhà thiếu vốn, “lệnh mua” ít được tung ra thì giao dịch trên thị trường sẽ chưa có chuyển biến nhiều.

Tình hình cuối năm

Chính sách mở cửa cho người nước ngoài và Việt kiều được mua nhà ở trong nước có thể sớm được ban hành. Nhưng các nhà quản lý khẳng định, thị phần ít ỏi này khó có thể dẫn đến việc đầu cơ trên thị trường. Bởi người nước ngoài (diện được phép mua nhà) chỉ có thể sở hữu 1 căn hộ, nếu muốn mua căn hộ khác phải bán căn hộ đã mua, sở hữu. Một yếu tố khác, thị trường chứng khoán cuối năm nay chưa thấy có dấu hiệu tăng mạnh như năm 2007 - năm mà lợi nhuận thu được từ chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư trúng lớn, đổ tiền qua mua nhà, đất, góp phần làm thị trường nhà đất lên cơn sốt; thị trường chứng khoán còn ảm đạm kéo dài, thị trường BĐS cũng khó tăng nóng...

Diễn biến thị trường BĐS cuối năm sẽ như thế nào? Ông Phạm Hoàng Hữu Bắc đánh giá thị trường vẫn tiếp tục đi xuống, với sức ép đẩy hàng ra của các nhà đầu tư thứ cấp, sức ép trả lãi ngân hàng, sức ép từ chủ đầu tư trong các đợt thanh toán tiếp theo... “Theo đánh giá của chúng tôi, căn cứ vào chính sách vĩ mô của Chính phủ là tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, ít nhất là hết năm 2008, trong khi nhu cầu vốn của thị trường BĐS đang rất lớn, đặc biệt đối với các chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp. Thị trường sẽ quay trở lại khi van tín dụng được mở ra. Thời điểm đó theo nhận định của chúng tôi là sau Tết Nguyên đán 2009, tức đầu tháng 3.2009, thị trường BĐS sẽ có những tín hiệu mới” - ông Bắc nhận định.

Theo bà Huỳnh Kim Đoan, giá nhà đất cuối năm nay sẽ không dao động nhiều, thậm chí còn giảm chút ít. Tuy nhiên, tính thanh khoản, giao dịch sẽ tăng nhẹ do tình hình đáo hạn các khoản nợ vay ngân hàng, người làm ăn trong dịp Tết cần tiền, căn hộ giá rẻ vẫn có nhu cầu lớn...

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính nhận xét về góc độ giao dịch đầu tư thì thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tan băng. Chuyên gia Đinh Thế Hiển đánh giá: “Nếu nhìn toàn cục của nền kinh tế thì khả năng tăng trở lại của thị trường BĐS vào cuối năm nay là rất khó. Vì Chính phủ vẫn chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ, nhất là cung tiền cho thị trường BĐS mà chỉ có thể tăng đầu tư vào khu vực sản xuất. Nền kinh tế Việt Nam cần phải có thời gian để tích lũy nội lực thì thị trường BĐS mới có nguồn vốn phát triển. Theo tôi, thời gian cần thiết đó khoảng 2 - 5 năm tùy mức độ phát triển trước đó của thị trường BĐS và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập của người dân”.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên