Dự báo từ đây cho đến hết tháng 3-2010, hàng ngàn tỉ đồng từ các sàn giao dịch vàng sẽ “chảy” vào thị trường chứng khoán. Còn từ tháng 3 đến tháng 6-2010, các nhà đầu tư sẽ chuyển vào đầu tư bất động sản.
Sau gần hai năm tụt dốc, thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM đã lấy lại sức và có dấu hiệu hồi phục nhẹ, thậm chí sẽ hồi phục mạnh mẽ vào năm 2010. Để đón đầu cơn “sóng” mới của thị trường, nhiều chuyên gia địa ốc cho rằng đã đến lúc chuẩn bị hành trang ngay từ bây giờ nếu không muốn lỡ tàu.
Đất hấp dẫn hơn căn hộ
Nếu so sánh với giá nhà đất đầu năm 2008 và hiện nay thì mức giá đất hiện đã giảm nhiều so với trước, trung bình từ 20% đến 50%, trong khi giá căn hộ thực tế không giảm nhiều chỉ ở mức 10% đến 30% so với lúc đỉnh điểm.
Qua khảo sát thị trường cũng như tại các điểm môi giới nhà đất tại khu Đông và Nam TPHCM, hiện giá đất được xem là khá hợp lý để có thể mua vào với mục đích xây dựng nhà để ở hoặc đầu tư. Đơn cử, như khu dân cư Đại Phúc (huyện Bình Chánh) thuộc khu dân cư 6B Nam TPHCM và nằm cách tuyến đường Nguyễn Văn Linh khoảng 700 m, nếu khách hàng chịu chi từ 13 triệu đồng đến 15 triệu đồng/m2 thì có thể sở hữu một nền đất tốt, trong khi vào thời điểm đầu năm 2008, giá đất ở đây được đẩy lên ở mức từ 18 đến 20 triệu đồng/m2 , thậm chí được “hét” 24 triệu đồng/m2.
Còn tại khu Đông TPHCM, thị trường nền đất quận 9 đã vượt qua quận 2 về độ hấp dẫn bởi đây là nơi có nhiều tuyến giao thông trọng điểm của TP đi qua đã và đang triển khai xây dựng, như: đường vành đai phía Đông nối cầu Phú Mỹ (quận 7) đến cầu Rạch Chiếc (quận 2) dài 8 km với lộ giới 67 m; đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng chiều dài 54,9 km, xa lộ Đông Tây nối vào đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây...
Thị trường đất nền, nhà phố đang hấp dẫn để đầu tư hơn căn hộ chung cư. Ảnh: T.Thạnh. |
Việc các tuyến đường giao thông nối kết với trung tâm TP sẽ giúp giá đất quận 9 lấy lại “phong độ” như thời điểm đỉnh sốt vào cuối năm 2007. Qua khảo sát giá trên thị trường, hiện nhiều có nền đất tại các dự án khu dân cư như: Nam Long, Hưng Phú, Kiến Á, Khang An, Nhà Việt Nam... đang được chào bán với mức giá khá hấp dẫn, trung bình từ 6,5 triệu đồng/m2 trở lên.
Trong khi giá đất đang ở ngưỡng có thể xem xét đầu tư ngược lại, giá căn hộ liệu có tăng hay không vẫn còn là bài toán khó trả lời. Bởi theo phân tích của các chuyên gia, hiện giá bán của căn hộ vẫn còn khá cao so với thu nhập của đại đa số người dân, lượng cung căn hộ trong những năm tới quá lớn (dự kiến hơn 20.000 căn hộ - PV), tâm lý ngại mua căn hộ do những tranh chấp chung riêng – phí quản lý trong thời gian gần đây...
Bao giờ có “sóng”?
Trước câu hỏi này, nhiều chuyên gia địa ốc tỏ ra rất thận trọng bởi thị trường BĐS TPHCM rất khó dự báo, việc tăng hay giảm đôi khi nằm ngoài những quy luật về kinh tế, cung - cầu... mà phụ thuộc nhiều vào tâm lý khách hàng, chính sách quản lý của Nhà nước. Theo ông Bùi Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Sacomreal, từ đây cho đến hết quý I/2010, các dự án căn hộ chắc chắn khách hàng sẽ mua với số lượng nhiều.
Còn ông Trần Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam, cho rằng: Nửa đầu năm 2010 thị trường vẫn trầm lắng, từ tháng 6 trở đi sẽ chuyển biến tốt hơn. Tuy nhiên, với điều kiện là những chính sách liên quan đến thị trường phải được điều chỉnh theo hướng kích thích thị trường, trong đó đặc biệt là khoản thuế liên quan đến chuyển nhượng nhà đất dưới dạng “lúa non” (mua bán, chuyển nhượng... dưới hình thức hợp đồng góp vốn – PV).
Nhận định về thời gian thị trường bắt đầu có “sóng” của ông Thành là có cơ sở. Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các sàn giao dịch vàng phải chấm dứt hoạt động từ ngày 30-3-2010, sẽ khiến hàng chục ngàn khách hàng của khoảng 30 sàn vàng hiện đang giao dịch rút vốn ra, như vậy dẫn đến nhu cầu cần phải đưa nguồn tiền này đầu tư vào các thị trường khác.
Các chuyên gia kinh tế dự báo về kịch bản như sau: Trước mắt, từ đây cho đến hết tháng 3-2010, hàng ngàn tỉ đồng từ sàn vàng phần lớn sẽ “chảy” vào thị trường chứng khoán. Sau khi thị trường này “bùng nổ”, từ tháng 3 đến tháng 6-2010, các nhà đầu tư sẽ cụ thể hóa lợi nhuận thu được từ sàn chứng khoán của mình để chuyển vào đầu tư BĐS. Tuy nhiên, không phải các nhà đầu tư đều nhắm mắt, nhắm mũi mua như trước kia mà họ sẽ đầu tư dựa vào các yếu tố như vị trí, giá cả và pháp lý của BĐS.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động