Thời gian qua, các công ty bất động sản liên tục "kêu" thị trường nhà đất trầm lắng, đóng băng... Tuy nhiên, theo nhiều người dân, hiện giá nhà đất còn quá cao, khiến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có thể với tới.
Ông Dương Chí Thiện, Phó tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Neoland cho rằng, giá bất động sản nhiều nơi giảm từ 40 đến 60%. Tuy nhiên đây chỉ là mức giảm so với đỉnh của cơn sốt vào năm 2007, giảm phần “bong bóng”, không phải hạ giá gốc của dự án.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng Đinh Thế Hiển cho biết, từ năm 2002 đến 2007, giá nhà đất tại Mỹ chỉ tăng khoảng 60% và hiện nay, giá đã xuống thấp hơn năm 2002.
Trong khi đó, ở Việt Nam, cũng thời gian trên, giá bất động sản tăng đến 500%. Tuy hiện giá có xuống nhưng mức hạ chỉ khoảng 50% so với thời kỳ tăng vọt trên. Mức giá này vẫn còn quá cao so với thu nhập của người dân.
Do đó, thị trường đóng băng là điều dễ hiểu. “Tuy giá đã giảm, nhưng các doanh nghiệp địa ốc chắc chắn vẫn có lãi rất cao. Tại đa số dự án, giá bán nhảy xa so với mức khởi điểm khi chủ đầu tư mới đưa ra thị trường”, ông Hiển tính toán.
Cụ thể, tại dự án Him Lam - Kênh Tẻ, vào năm 2005, chủ đầu tư ra giá 10 - 11 triệu đồng/m2. Ngay sau đó, giới đầu cơ đẩy giá đất lên 40 - 50 triệu đồng/m2, có lúc lên đến 90 triệu đồng.
Hiện giá giảm còn 28 triệu đồng/m2, song mức giá này vẫn cao gấp 3 lần so với giá thực. Đất nền Dự án Thái Sơn (Nhà Bè) có lúc được “hét” với giá 40 triệu đồng/m2, trong khi giá chủ đầu tư đưa ra chỉ 4 - 5 triệu đồng/m2 và nay dừng lại ở mức 9 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành thừa nhận, với lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp vay tiền triển khai dự án vẫn có lãi. Thực tế cho thấy, hiện chi phí xây dựng một m2 căn hộ cao cấp chỉ dao động ở mức từ 6 đến 7 triệu đồng.
Vì vậy, giá bán một m2 của căn hộ cao cấp khoảng 12 triệu đồng là hợp lý. Nhưng thực tế, giá bán căn hộ cao cấp hiện không dưới 20 triệu. Mức giá này là quá đắt, khiến những người có nhu cầu về nhà ở khó có thể mua được nhà. Bên cạnh đó, ngân hàng chỉ cho vay mua nhà trả góp với thời gian tối đa từ 3 đến 5 năm, thay vì 15 - 20 năm như trước đây.
Theo các chuyên gia địa ốc, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản đóng băng là do các chủ đầu tư dự án không muốn hạ giá bán. Khi tính thanh khoản của các dự án kém, thị trường bất động sản khó mà “xanh” trở lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt