Gia hạn sử dụng đất nông nghiệp: Nhiều địa phương lúng túng

Cập nhật 07/12/2008 10:16

Theo quy định hiện hành, Nhà nước giao đất nông nghiệp cho người dân sử dụng có thời hạn, khi hết hạn sẽ được gia hạn tiếp. Tuy nhiên, thủ tục gia hạn như thế nào thì chưa cơ quan nào hướng dẫn cụ thể, khiến người dân băn khoăn và chính quyền lúng túng.

Theo Luật đất đai năm 2003, thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây lâu năm không quá 50 năm, đất nông nghiệp trồng cây hằng năm là 20 năm. Hết thời hạn trên, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất, chấp hành đúng quy định của pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và phù hợp quy hoạch sẽ được Nhà nước tiếp tục giao đất. Những trường hợp đã giao đất trước năm 1993 thì được tính thời hạn kể từ ngày 15-10-1993 (ngày Luật đất đai năm 1993 có hiệu lực thi hành).

Như vậy, theo các quận huyện, phải đến giai đoạn sau năm 2013 các trường hợp được giao đất 20 năm mới bắt đầu gia hạn. Riêng với trường hợp sử dụng đất quá hạn mức quy định thì thời hạn sử dụng bằng phân nửa thời hạn sử dụng cùng loại đất. Hiện nay có nhiều người dân rơi vào trường hợp này.

Có được gia hạn giao đất?

Năm 2000, ông Hồng Tiên Muối chuyển nhượng miếng đất nông nghiệp trồng cây ngắn ngày ở huyện Củ Chi, TP.HCM, trong đó có một số thửa ghi thời hạn sử dụng đất đến năm 2007. Đầu tháng mười một vừa qua, ông Muối làm thủ tục xin gia hạn thời hạn sử dụng đất đến năm 2017.

Do ông Muối nhận chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất trên từ người khác, vượt hạn mức quy định nên người chủ cũ chỉ được giao đất bằng một nửa thời hạn sử dụng đất cùng loại. Người chủ trước được cấp “giấy đỏ” vào năm 1997, đến năm 2007 là hết thời hạn sử dụng. Ông Muối băn khoăn không biết phần đất trên có được gia hạn thời gian sử dụng đất hay không, trường hợp được gia hạn ông có phải đóng tiền?

Ông Nguyễn Thanh Phong, phó Phòng Tài nguyên - môi trường (TN-MT) huyện Củ Chi, thừa nhận: Trường hợp nói trên quá mới nên huyện chưa biết giải quyết ra sao, có khả năng UBND huyện sẽ phải xin ý kiến của Sở TN-MT TP trước khi quyết định. Nhưng hướng là vẫn gia hạn sử dụng đất cho ông Muối như giao lần đầu mà không thu tiền sử dụng đất.

Không chỉ huyện Củ Chi, các huyện khác còn nhiều đất nông nghiệp cũng đang lúng túng. Một cán bộ Phòng TN-MT huyện Nhà Bè cũng cho rằng đây là vấn đề mới, cần có hướng dẫn cụ thể hơn để các cơ quan thừa hành cùng thực hiện.

Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Tuân, vụ phó Vụ Đất đai, Bộ TN-MT, viện dẫn điều 67 Luật đất đai năm 2003 cho rằng trường hợp của ông Muối phải chuyển sang thuê đất chứ không được tiếp tục giao đất. Lý do là đất của ông Muối có nguồn gốc đất vượt hạn mức, giao trước ngày 1-1-1999.

Cũng theo ông Tuân, đối với những trường hợp đất giao cho người dân sản xuất nông nghiệp (diện tích trong hạn mức) đã hết thời hạn sử dụng thì sau đó vẫn tiếp tục được sử dụng. Khi gia hạn, cơ quan có thẩm quyền chỉ ghi nhận thêm thời hạn sử dụng đất vào “giấy đỏ” của dân mà không phải thêm bất cứ thủ tục nào khác. Nếu đất đang được thế chấp tại ngân hàng thì các ngân hàng vẫn tính giá trị đất sử dụng 20 năm hoặc 50 năm theo quy định, chứ không trừ thời gian đã sử dụng đất trước đó. Người dân gia hạn thời gian sử dụng đất cũng không phải đóng tiền sử dụng đất.

Nhưng vẫn còn một vấn đề cần đặt ra là theo quy định, khi hết thời hạn, để được Nhà nước tiếp tục giao đất, người sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện: có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng, và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Nếu căn cứ vào các điều kiện trên, nhiều người sẽ không được gia hạn với lý do phổ biến là không phù hợp quy hoạch. Do phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở các quận mới, huyện trên địa bàn TP hiện nay đều không có quy hoạch được duyệt là đất nông nghiệp, thay vào đó là quy hoạch khu dân cư, cây xanh, đất giao thông...

Sẽ giao đất không thời hạn cho dân?


Mới đây khi góp ý cho dự án Luật đất đai sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng thời hạn giao đất hiện nay quá ngắn khiến người dân không yên tâm sản xuất, cần giao đất lâu dài để dân đầu tư vào đất, sản xuất hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không ít ý kiến còn băn khoăn với đề xuất này. Ông Lê Minh Huệ, phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho rằng việc giao đất có thời hạn và gia hạn sau đó thể hiện rõ nội dung đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý. Nếu giao đất vĩnh viễn cho dân thì phải xét xem việc đó có phù hợp với chế độ sở hữu đất đai hiện tại không.

Theo ông Bùi Ngọc Tuân, việc giao đất nông nghiệp không thời hạn cho người dân đang được Bộ TN-MT nghiên cứu. Quy định này sẽ được đưa vào dự án Luật đất đai sửa đổi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến vào năm tới. “Như vậy người dân mới yên tâm sản xuất. Tránh tình trạng thời hạn sử dụng đất ngắn quá, dân lo không được gia hạn sử dụng đất tiếp nên không có hướng đầu tư lâu dài để nuôi đất, hiệu quả kinh tế không cao. Nội dung này cũng đã có trong nghị quyết của Quốc hội”, ông Tuân nói.

Trường hợp phần đất sử dụng đã hết thời hạn nhưng nằm trong khu vực quy hoạch, đã có quyết định thu hồi đất thì cơ quan chức năng không gia hạn thêm thời gian sử dụng đất cho dân mà chuyển sang làm thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trường hợp khu vực có quy hoạch, phải thu hồi đất nhưng chưa có quyết định thu hồi của Nhà nước thì vẫn gia hạn thời gian sử dụng đất cho dân như những trường hợp đất phù hợp quy hoạch khác. Đến khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất thì phải bồi thường cho dân như giao đất lần đầu. (Theo ông Bùi Ngọc Tuân - vụ phó Vụ Đất đai, Bộ TN-MT)


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO