GS Đặng Hùng Võ cho rằng thỏa thuận giá đất giữa doanh nghiệp và người dân nên áp dụng nguyên tắc đồng thuận của cộng đồng tối thiểu bằng hai phần ba đồng thuận của cư dân trong cộng đồng đó.
Sáng nay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Dự kiến dự thảo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2012 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2013.
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết Dự thảo sửa đổi Luật đất đai lần này có 14 chương, 190 điều (tăng 6 chương và 44 điều so với Luật hiện hành). Những vấn đề liên quan đến nguyên tắc xác định giá đất vẫn là điểm khiến nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm tại hội thảo.
Theo ông Võ (người đang phát biểu), việc thỏa thuận giá đất giữa doanh nghiệp và người dân nên áp dụng nguyên tắc đồng thuận. Ảnh: Nguyễn Hưng
|
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cho rằng nên bỏ bảng giá đất của Nhà nước. Mỗi năm một lần, các tỉnh thành phố đều công bố bảng giá đất ở địa phương mình, làm căn cứ tham chiếu cho các giao dịch liên quan tới đất đai trên địa bàn. Tuy nhiên theo ông Võ, những bảng giá này bao giờ cũng thấp hơn thị trường, không thể áp dụng cho trường hợp gây thiệt hại cho người dân và là nguyên nhân gây ra các vụ kiện cáo.
Chuyên gia này cho rằng, việc thỏa thuận giá đất giữa doanh nghiệp và người dân nên áp dụng nguyên tắc đồng thuận của cộng đồng, tối thiểu bằng hai phần ba đồng thuận của cư dân trong cộng đồng đó.
Về phía doanh nghiệp thì không thể đòi công bằng tất cả các đối tượng đều như nhau. “Việc cấp đất đối với an ninh quốc phòng, y tế, giáo dục… chắc chắn sẽ được ưu tiên hơn đối với việc sử dụng vào các mục đích khác”, ông Võ chia sẻ.
Cùng chung quan điểm với ông Võ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá cũng cho rằng trong vấn đề xác định giá, Nhà nước nên giữ vai trò là người xây dựng cơ chế chính sách giá, điều tiết hướng dẫn, thanh-kiểm tra… Nhà nước không cần phải thực hiện thẩm định giá trên thị trường mà nên xã hội hóa để các công ty thẩm định giá độc lập thực hiện. Như vậy mới phù hợp thông lệ quốc tế, tránh việc Nhà nước “vừa đá bóng vừa thổi còi".
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hưng
|
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng giá bồi thường đất không nên quy định nguyên tắc phù hợp với giá thị trường vì giá thị trường là giá thỏa thuận cho từng mảnh đất tại địa điểm xác định vào thời điểm xác định. Trong khi giá bồi thường áp dụng cho một khu vực trong một khoảng thời gian. Vì vậy nên thay thế nguyên tắc này bằng nguyên tắc giá công bằng, tức là giá có thể giúp tạo được tài sản tương đương tài sản bị thu hồi tại địa điểm khác tương tự và cộng thêm một khoản lợi ích cho dự án phát triển đất đem lại. Một số nước như Hàn Quốc, Brazil… trả phần lớn tiền bồi thường bằng trái phiếu đất đai, Việt Nam có thể tham khảo để hạn chế việc cùng lúc xuất ra nhiều tiền mặt.
Ông Liêm cũng cho rằng, đa số người dân đang nghĩ họ bị đền bù giá thấp, còn doanh nghiệp khi hoàn thành sản phẩm bán lại giá cao. “Đã đến lúc cần làm cho người dân hiểu thật rõ tại sao mức giá bán ra lại như thế. Doanh nghiệp đã phải bỏ những chi phí như phát triển cơ sở hạ tầng, nộp thuế cho Nhà nước bao nhiêu để đêm lại giá trị mới cho mảnh đất đó, ông Liêm nói.
Cho rằng ban soạn thảo chưa đưa ra được giải pháp mang tính thực sự thay đổi cho bộ luật mới, ông Liên đề xuất nên tiến tới xóa bỏ cơ chế bao cấp tiền sử dụng đất để tránh việc sử dụng đất lãng phí.
Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng việc xác định giá đất trong luật đất đai hiện hành thiếu thống nhất, thiếu minh bạch, tự mâu thuẫn, tạo ra sự chênh lệch rất lớn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ông Tiền cho rằng, để khắc phục triệt để tình trạng mâu thuẫn, thiếu minh bạch về giá đất trong Luật hiện hành, ông Tiền cho rằng nên bồi thường theo giá trưng mua di Hội đồng định giá xác định.
Bàn về vấn đề giá đất khi đền bù, theo Công ty Luật VILAF, về nguyên tắc xác định giá đất nếu luật tiếp tục quy định là “phù hợp với giá thị trường” thì quá chung chung vì không có tiêu chí để xác định thế nào là giá thị trường. Theo đó, công ty này cho rằng nên đưa ra một cơ chế xác định giá thị trường như mời công ty thẩm định giá hoặc dựa trên giá chuyển nhượng của cùng loại đất, cùng vị trí trong một khoảng thời gian xác định.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress