Giá đất TP.HCM năm 2009: Vẫn quá thấp so với giá thị trường

Cập nhật 05/12/2008 01:04

Đường Trần Não: Tăng gấp đôi nhưng chỉ bằng 1/5 giá thị trường. Những quận ven có nhiều người chưa làm “giấy hồng” nên không tăng giá cao.

Theo tờ trình của UBND TP về điều chỉnh giá đất, giá đất cao nhất năm 2009 tăng 20% so với năm 2008. Mức độ tăng giá đất trung bình giữa các quận chênh nhau đến 10 lần.

Quận có mức tăng giá đất trung bình cao nhất là quận 2 với mức tăng 100%, tức tăng gấp đôi. Tiếp theo là quận Tân Bình và quận 7 có mức tăng từ 50% đến 100%; các quận 1, 11, 4, 3, 10, 5, Phú Nhuận nằm trong nhóm tăng giá từ 30% đến 50%. Còn giá tại các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú và ba huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè chỉ “nhích” nhẹ dưới 10%.

Tăng gấp đôi vẫn chưa ăn thua


Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, thành viên thường trực hội đồng điều chỉnh giá đất của TP, giải thích:

“Do giá đất của quận 2 những năm trước quá thấp nên năm nay phải điều chỉnh tăng cao cho công bằng với những quận khác. Tỷ lệ tăng 100% nghe cao vậy nhưng giá đất thực của quận này sau khi tăng vẫn thấp”. Bà Lan chỉ rõ: Năm 2008, giá đất của vị trí đắc địa nhất của quận 2 là đường Trần Não, cách trung tâm TP không xa, chỉ có 4,3 triệu đồng/m2 là quá thấp so với mặt bằng chung. Trong khi đó, giá đất thị trường của đoạn đường này có khi lên đến 60 triệu đồng/m2. Ngay cả thời gian thị trường nhà, đất đang đóng băng thì giá giao dịch cũng không dưới 50 triệu đồng. Nếu tăng giá gấp đôi thì giá một mét vuông đất của đường Trần Não chỉ khoảng gần chín triệu đồng, chỉ bằng 20% với giá thị trường trong khi giá đất nhiều nơi khác như Bình Chánh, quận 12... bằng 80% giá thị trường.

Tương tự, giá đất của quận 7 trong những năm gần đây cũng quá thấp so với mặt bằng giá chung của các quận, huyện khác. Quận này có khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và đường Nguyễn Văn Linh là trục đường lớn của TP.

“Do vậy, giá đất phải bằng hoặc cao hơn chứ không thể thấp hơn Bình Chánh được. Giá của những khu vực xung quanh cũng được điều chỉnh lên tương ứng!” - bà Lan cho biết.

Quận ven: Tăng ít để đỡ nghĩa vụ tài chính cho dân?


Trái ngược với mức tăng ở quận 2, nhiều quận, huyện khác chỉ có mức tăng dưới 10% hoặc từ 10% đến 30%. Bà Lan giải thích: Các quận 6, 8, 12, Thủ Đức, Bình Tân... là những quận vùng ven, đa số người dân nghèo và nhiều nhà, đất chưa làm “giấy đỏ”, “giấy hồng”. Vì vậy nên mức điều chỉnh tăng thấp để tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính. Giá đất ở Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi (nhóm tăng dưới 10%) thì gần như không tăng vì lợi ích kinh tế từ đất cũng không tăng trong thời gian qua.

Quận Tân Phú mới tách từ Tân Bình ra, là quận mới thành lập, cơ sở hạ tầng của quận này chưa được đầu tư nhiều. Vị trí của quận này cũng không “thuận đường” so với những quận khác trong TP nên tiềm lực kinh tế phát sinh từ đất cũng không bằng các quận khác. Nhưng giá đất của Tân Phú thì lại gần giá thị trường hơn. Vì vậy nên năm nay không tăng giá đất của quận Tân Phú cũng để tạo sự cân bằng tương đối giữa các quận, huyện.

Theo định giá giá đất các quận trung tâm như 1, 3, 5, 10 có tăng so với năm 2008. Nhà người dân ở những quận trung tâm có vị trí thuận lợi, dễ kinh doanh nên giá trị kinh tế của đất không bị giảm theo thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, lượng “giấy hồng” cấp xong đã tương đối nhiều nên tỷ lệ tăng cao cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của dân. Những doanh nghiệp thuê đất tại các vị trí thuận lợi như vậy cũng sẽ phải đóng tiền thuê cao hơn cho công bằng với những thành phần tương tự ở quận khác. “Giá cho thuê đất của nhà nước quá bèo nên một số doanh nghiệp được quyền thuê đất ở các quận có vị trí thuận lợi đã đem cho thuê lại để hưởng chênh lệch. Giá đất ở những quận trung tâm tăng tỷ lệ cao một phần cũng để điều chỉnh vấn đề này”.

Giá đất nông nghiệp vẫn thấp

Tại buổi làm việc của Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP, nhiều đại biểu nhận xét giá đất nông nghiệp vẫn quá thấp. Như vậy sẽ thiệt hại cho người dân bị giải tỏa trong những dự án công ích. Bà Lan phân tích: Giá đất năm 2009 đã vượt khung đến tỷ lệ tối đa là 20%, không thể cao hơn được nữa. Hơn nữa, giá đất của nhà nước không dùng cho mục đích bồi thường khi giải phóng mặt bằng. Còn những dự án công ích, nhà nước cũng đã có hỗ trợ đến 40% giá đất ở liền kề cho đất nông nghiệp trong phạm vi phường. Có nơi tính giá bồi thường đất nông nghiệp lên đến tám, chín triệu đồng/m2 chứ đâu có thấp. Người dân đâu có thiệt thòi. Còn giá đất nông nghiệp thấp là để cho người sản xuất nông nghiệp thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề: Sao không đưa giá đất lên sát giá thị trường để thực hiện cơ chế một giá cho tất cả mục đích. Như vậy thuận tiện hơn cho doanh nghiệp khi bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng việc tăng giá đất nhà nước sát với giá thị trường kéo theo nhiều hệ lụy. Như vậy sẽ gây bất công cho những người làm “giấy hồng”, “giấy đỏ” muộn. Vì vậy, việc tăng giá đất năm nay, TP cũng đã tính toán đến sự hài hòa giữa các lợi ích của các thành phần: người dân chấp nhận được và không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Phương án điều chỉnh giá đất năm nay được lập bởi hội đồng điều chỉnh giá đất của TP gồm Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Nghiên cứu phát triển TP... Hội đồng này đã thuê đơn vị độc lập khảo sát giá thị trường và quyết định tăng giá dựa trên trật tự giá thực tế này. Ví như giá đất của đường Nguyễn Văn Linh cao hơn đường Trần Não mấy lần thì giá nhà nước cũng tăng, giảm sao cho có tỷ lệ tương ứng như vậy. Phương án sơ lược này sau đó được UBND các quận, huyện thẩm định lại và được hội đồng bàn bạc góp ý nhiều lần.

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 17 năm 2008 về chính sách bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Theo đó, đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư sẽ được hỗ trợ thêm bằng 40% giá đất ở liền kề. Tổng mức giá bồi thường hỗ trợ không cao hơn giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Đối với đất nông nghiệp có nguồn gốc lấn chiếm thì không được tính bồi thường, hỗ trợ theo diện đất nông nghiệp xen cài. Quy định trên chỉ áp dụng cho những dự án được phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ sau ngày Quyết định 17 ngày 14-3-2008 của UBND TP.HCM có hiệu lực.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP