Đúng như mong đợi của nhiều nhà đầu tư về khả năng giá cả sẽ ấm lên nhờ việc thông đường Lê Văn Lương, hiện nay giá bán căn hộ và đất nền một số dự án đang được đẩy lên tiếp. Tuy nhiên, đó chưa phải là bức tranh toàn thể.
Trong hàng chục dự án lớn dọc trục đường Lê Văn Lương, được nhắc đến khác nhiều hiện nay phải kể đến khu đô thị An Hưng. Một tuần nay đất liền kề khu vực này đã “chạy lên” khoảng 2 giá so với trước.
Cụ thể, đất liền kề đường nhỏ nhất là 11m đến đường trung bình là 20-30m đã dao động từ trên 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng/m2 tùy vị trí; đường to nhất của khu đô thị là 40m thì giá đất lên tới khoảng 80 triệu đồng/m2.
Cách không xa trục đường Lê Văn Lương, đất liền kề diện tích nhỏ (80m2/lô) thuộc dự án Gleximco được nhiều sàn bất động sản cho biết rất khó tìm. Cách đây 1 tuần, giá loại đất này rơi vào 36,5-37 triệu đồng/m2 thì hiện tại đã bị đẩy lên thêm 3 triệu, lên tới 39-40 triệu đồng/m2.
Đất nền khu Văn Khê, Dương Nội tuy không sốt nhưng giá đang ở mức rất cao, trên dưới 70 triệu đồng/m2 liền kề, hơn 60 triệu/m2 đất biệt thự. Trong đó đất khu Dương Nội A do đã đẩy ra từ trước khi thông đường nên hiện tại rất khan hàng.
Không chỉ vậy, căn hộ tại một số dự án cũng nhích thêm vài giá, lượng giao dịch khá sôi nổi. Đơn cử, chung cư Văn Khê từ 19,5 triệu đồng/m2 đợt này lên 22 triệu đồng. Hay dự án C14 - Bộ Công An, khách mua qua một số sàn cũng tăng hơn hẳn với mức giá từ 25-26 triệu đồng/m2.
Vẫn mang tính “cục bộ”
Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài đã được thông. |
Phải nói thêm rằng, sự “ấm” lên về giá cũng như lượng giao dịch kể trên chưa phải là chiều hướng chung của tất cả các dự án dọc trục đường Lê Văn Lương, hơn nữa, lượng thực mua hiện cũng chưa bền vững.
Giới kinh doanh tại các sàn bất động sản xung quanh khu vực này cho biết, khách hàng quan tâm hơn cả đợt này là các dự án sắp hoàn thành bàn giao, đã có đầy đủ tính pháp lý, được sang tên chính thức, có tính thanh khoản cao.
Ngược lại những dự án mà giá cả đã đứng ở mức quá cao; tính pháp lý chưa chắc chắn như mua bán bằng hợp đồng góp vốn không chuyển được tên hoặc có thời gian triển khai, thi công kéo dài 2-3 năm tới như Park City, Thanh Hà, Ucity, Dương Nội… thì giao dịch vẫn rất trầm lắng.
“Thị trường đang ăn theo những người sở hữu có tính pháp lý. Các nhà đầu tư như vậy có lợi thế áp đặt giá bán ra. Ví dụ một lô đất trước kia có giá 57 triệu đồng/m2, giờ nhoằng một cái họ đòi giá 62 triệu đồng thì cũng chả ai nói được” - anh Dương Văn Thanh - Công ty tư vấn đầu tư bất động sản Thiên Phú Thành nói.
Từ sàn bất động sản Idoland, anh Nguyễn Như Hoàng lại chỉ ra rằng thị trường thực chất bị tác động chủ yếu bởi Nghị định 71, chứ không hẳn là do các thông tin tốt như thông đường.
Bằng chứng là, không chỉ dọc Lê Văn Lương mà rất nhiều dự án dọc trục Láng Hòa Lạc hiện cũng chưa có động thái gì đáng kể bởi hiện tại các dự án chưa đủ điều kiện ra hợp đồng mua bán, chưa thể sang tên, chuyển nhượng, ủy quyền công chứng do đó vẫn đứng giá.
Ngoài ra dưới con mắt của giới kinh doanh, việc tăng giao dịch và giá cả một số dự án dọc trục đường Lê Văn Lương hiện nay được góp một phần không nhỏ là do “chiến thuật” cung hàng nhỏ giọt của chủ đầu tư dự án đồng thời với sự tham gia “đẩy” giá của các nhà đầu tư lớn.
Phó Giám đốc một sàn tại đường Trần Duy Hưng lấy ví dụ dự án An Hưng khi mới đưa ra thị trường, chủ đầu tư chào giá 43 triệu đồng/m2 liền kề. Mỗi lần cung hàng tiếp theo, họ chỉ đưa ra bán một vài ô và sau đó dừng bán khiến cho thị trường rất khan hàng.
Trong bối cảnh như vậy lại xuất hiện hiện tượng một số nhà đầu tư lớn rót mấy chục tỷ đồng vào dự án nhằm kích thích thị trường, tạo nên những cơn “sốt” giá cục bộ.
Theo giới kinh doanh, thời gian tới nếu lượng hàng tại các dự án được bung ra nhiều thì giá cả sẽ đứng, còn ngược lại, nguồn cung tiếp tục khan hiếm khi nhiều dự án chưa ra hàng hoặc ra nhỏ giọt và nhà đầu tư không chịu bán thì giá cả sẽ vẫn nhích lên.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet