Thông tin Hà Nội được Chính phủ đồng thuận tăng diện tích gấp 3 lần so với hiện nay đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư BĐS, thì việc công bố bảng giá đất năm 2008 của Hà Nội tăng khoảng 20% so với mặt bằng giá năm 2007 và việc xây dựng đường vành đai 4 mới tuy mới ở mức độ nguyên tắc và ý tưởng nhưng đã đưa nhiều nhà đầu tư bất động sản tiến mạnh ra những vùng ven đô để đón đầu quy hoạch.
Khu vực phía Tây sẽ sôi động nhất, vì cơ sở hạ tầng cũng như giao thông đến trung tâm Hà Nội thuận tiện hơn.
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương xây dựng tuyến đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông, có điểm đầu nối với đường Lê Văn Lương (Hà Nội) và điểm cuối nối vào đường vành đai 4 đoạn đi qua Hà Đông. Bởi vậy, Hà Tây đang lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư bất động sản với một loạt các dự án nhà ở và đô thị đang chuẩn bị triển khai.
Những khu đất ở cuối thị xã Hà Đông, nằm trong vành đai 4 dự kiến của Hà Nội là địa chỉ mà giới BĐS đang quan tâm, vì có thể sau này sẽ về Hà Nội và như thế, chỉ 15 phút tàu điện là vào trung tâm. Không chỉ trong phạm vi hẹp này mà xa hơn là vùng Đan Phượng cũng đang tác động mạnh đến thị trường BĐS, do vùng này cận kề giáp vành đai 4 trong tương lai và chỉ cách trung tâm Hà Nội 20 km, cách trung tâm mới Phạm Hùng - Mỹ Đình chỉ 9 km, khoảng 15 phút ô tô theo đường 32 hay đường Hoàng Quốc Việt kéo dài.
Khu vực hướng Quốc lộ 6 đã hình thành hàng loạt dự án có sản phẩm bán ra thị trường. Làng Việt kiều châu Âu ở đầu thị xã Hà Đông sát ngay Hà Nội, cuối năm ngoái giá chỉ khoảng 14-15 triệu đồng/m2 nhưng nay đã tăng lên đến 23-25 triệu đồng/m2. Đất chia lô ở khu Văn Quán một thời đóng băng, nay cũng được giao dịch ở mức 23-24 triệu đồng/m2. Xa hơn phải kể đến khu đô thị mới Văn Phú, đô thị mới Xa La 20 triệu đồng/m2.
Hướng quốc lộ 32 và đường Hoàng Quốc Việt kéo dài mới nóng lên gần đây nhưng không kém sôi động. Lợi thế là đã có đường 32 đang nâng cấp, hệ thống giao thông nối lên Sơn Tây, Vĩnh Phúc và Phú Thọ, một đầu đã có trung tâm phía tây Hà Nội với các dự án ở Mỹ Đình, Nam Thăng Long, Cầu Diễn... đang rất phát triển.
Các nhà đầu tư đã và đang triển khai nhiều dự án bất động sản ở nơi mà với niềm tin được về Hà Nội trong một tương lai không xa, ví như Công ty cổ phần Sông Đà đã nhận được chấp thuận của tỉnh Hà Tây để hợp tác với một tập đoàn của Pháp để quy hoạch khu đô thị ở xã Tân Lập - Tân Hội huyện Đan Phượng. Contrexim xây dựng một khu đô thị 130ha, Công ty Viễn thông Sài Gòn đầu tư một khu công nghiệp - đô thị không dưới 200ha, một công ty tư nhân khác đã được chấp thuận xây dựng một đô thị nhà vườn xấp xỉ 100ha.
HUD cũng đã khảo sát một dự án ở Tân Lập. Trong số các khu đô thị đã hình thành phải kể đến Posco-Vinaconex với khu đô thị lớn nhất miền Bắc, Bắc và Nam An Khánh, giáp ranh Hà Nội, đã có các nhà đầu tư lớn như Sudico, Booyoung và nhiều tên tuổi mới, có cả những nhà đầu tư nước ngoài như Hyundai RNC và Indochina Capital...
UBND tỉnh Hà Tây vừa có quyết định cho phép một loạt các nhà đầu tư lập quy hoạch phát triển những khu đô thị mới thuộc địa bàn giáp ranh giữa thành phố Hà Đông và Hà Nội như: Công ty Xuất nhập khẩu Hà Nội được lập quy hoạch, thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới nằm dọc đường Lê Trọng Tấn, có diện tích 143ha, quy mô dân số thiết kế khoảng 26.000 người và Công ty TNHH Hoàng Thành và Công ty cổ phần Xây dựng số 1 thực hiện dự án Khu đô thị mới La Khê, có diện tích 101ha, quy mô dân số thiết kế 20.000 người.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng bắt tay với UBND tỉnh Hà Tây để xây dựng các dự án bất động sản, trong đó, có khu du lịch sinh thái Suối Hai (huyện Ba Vì), khu khoa học công nghệ và đô thị Dầu khí với Trường Đại học Dầu khí, Bệnh viện Dầu khí, Bảo tàng Dầu khí, Phân viện Dầu khí Quốc gia, khu đô thị Dầu khí tại huyện Hoài Đức và thành phố Sơn Tây.
Vành đai 4 sẽ được xây dựng, Quy hoạch Hà Nội sẽ được mở rộng về phía Tây, tuy chưa rõ ngày định hình, song giới bất động sản đã mạnh bạo nhìn nhận nhưmột xu hướng chắc chắn nên đã đón đầu, hay đúng hơn là đang đầu cơrất mạnh vào thị trường BĐS khu vực này.
Theo Kinh Tế & Đô Thị