Đây là điều không dễ hình dung khi chỉ thời gian ngắn trước đây, nhìn giá đất khu vực Hà Đông tăng vọt nhờ thông tin quy hoạch thành trung tâm hành chính quốc gia, dân kinh doanh phía Gia Lâm không khỏi ao ước, ghen tỵ.
Nhiều văn phòng môi giới nhà đất dọc trục Láng Hoà Lạc đột ngột thưa vắng khách - Ảnh: N.N |
Anh Thế Đoàn - môi giới nhà đất tại km15 mặt đường Láng Hoà Lạc cho biết, khi thông tin siết chặt bong bóng bất động sản phía Tây rộ lên, 1 tháng nay, cung - cầu xung quanh khu vực này bắt đầu trầm hẳn. Trước kia mỗi ngày có gần trăm lượt người tìm đến nhà anh tham khảo, nhờ kết nối thì nay chỉ còn vài người. Giao dịch thành công hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay nhờ những người có nhu cầu thực, còn dân đầu cơ buôn bán thì tuyệt nhiên dừng hẳn.
Không chỉ người đi hỏi giá, tham khảo thị trường giảm mạnh mà người rao bán cũng chả có mấy. Tâm lý chung là con đường Láng Hoà Lạc sắp thông, hơn nữa giá lại đứng chững, nếu không có việc đột xuất quá cần tiền hoặc những trường hợp vay tiền ngân hàng mua đất chớp nhoáng thì còn lại chẳng ai đem bán ra lúc này.
Ảm đạm hơn, một “cò” đất nghiệp dư tên Đông nhà ngay mặt ngõ thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn còn cho biết, cả tháng nay, anh chưa kiếm được “quả” nào. Ngay sau căn nhà kiên cố, anh còn sở hữu miếng đất 80m2 mặt ngõ 6m. Đông kiên quyết không bán dù quá nhiều người đến gạ với giá 40 triệu/m2.
Trước tình hình như vậy, giá đất thổ cư thôn Quyết Tiến vẫn duy trì ở mức “đỉnh” từ 20-25 triệu đồng đến 40-50 triệu đồng/m2. Dân môi giới sẵn sàng phủi tay chỉ đi nơi khác với những khách hàng hỏi mua đất với túi tiền eo hẹp vài trăm triệu đồng.
“Xung quanh huyện Hoài Đức, đất không có chuyện xuống. Mua ở đây toàn những người có “máu mặt”, trường vốn, rẻ hơn họ không bán. Chỉ trừ mấy trường hợp cá biệt, trước họ mua giá thấp rồi có thời điểm rao giá cao, nay cần bán, họ chịu sụt đi 1-2 triệu đồng/m2 nhưng vẫn đảm bảo lời lãi” - anh Đoàn cho hay.
Giao dịch đất thổ cư dọc trục Láng Hoà Lạc đã vậy, đất liền kề thuộc các dự án khu phía Tây cũng bất động giao dịch cả 2 tuần nay. Nhiều sàn bất động sản trên đường Nguyễn Thị Định, Làng Quốc tế Thăng Long, Trung Hoà Nhân Chính thừa nhận giá vẫn “đi ngang” ở mức cao ngất. Đơn cử đất dự án Geleximco mặt đường 10,5m, giá dao động từ 40-42 triệu đồng/m2, đất biệt thự ở Bắc An Khánh giá gốc chừng 1.800-2.000 USD/m2 kèm tiền chênh từ 5-7,5 triệu đồng/m2, khu đô thị Dương Nội hay khu Lê Trọng Tấn, dọc đường Lê Văn Lương kéo dài dao động từ 52-54 triệu đồng/m2.
Như vậy, tính đơn giản một lô đất biệt thự 200m2, giá gốc và tiền chênh đã lên 8-10 tỷ đồng, với những lô diện tích lớn từ 250-300 m2, số tiền phải bỏ ra còn lớn hơn. Đó là chưa kể cũng vì mức giá “chạm trần” mà thị trường căn hộ cao cấp khu vực phía Tây nói riêng vẫn chưa thoát khỏi cơn rền rứ kéo dài ít nhất nửa năm nay.
Phía Đông xiên chéo
Bất động sản phía Đông lại thu hút người dân và nhà đầu tư nhờ mức giá dễ chịu - Ảnh: N.N |
Bức tranh giao dịch bất động sản khu vực Gia Lâm thành phố Hà Nội lại duy trì sức ấm hơn hẳn nhờ một loạt thông tin như xây công viên, khu đô thị Gia Lâm, giãn dân phố cổ, hạ tầng cầu đường nhanh chóng được mở rộng thông thoáng... Đây là điều không dễ hình dung khi chỉ thời gian ngắn trước đây, nhìn giá đất phía Tây tăng vọt nhờ thông tin quy hoạch thành trung tâm hành chính quốc gia, dân kinh doanh ở đằng Đông không khỏi ao ước, ghen tỵ.
Đến văn phòng tư vấn nhà đất Trường Tín, số 114 Nguyễn Văn Cừ bày tỏ nhu cầu tìm mua miếng đất khoảng 1 tỷ đồng, khách nhận được câu nói thẳng thừng của Phạm Tú Anh, chủ văn phòng: “1-2 tỷ ở Gia Lâm này hiện rất khó mua. Mặt bằng giá bắt đầu tăng nhiệt từ 3 tháng trở lại đây vì hàng loạt thông tin quy hoạch. Quỹ đất chỉ có hạn, gần Hà Nội mà giờ rất nhiều người sang mua để ở hoặc đầu tư”.
Nghĩ một lát, Tú Anh bốc máy gọi điện khảo giá một mảnh ở Tư Đình sau đó khoe với khách: “Khu Tư Đình cách cầu Chương Dương 2 km, đường đang được rải nhựa đẹp lắm, em có một lô 4 mảnh, bán được 3 rồi. Giờ chỉ còn duy nhất mảnh 40m2, mặt tiền 3m giá 27 triệu đồng/m2 mà hôm trước khách đã đặt cọc rồi”.
Theo dân môi giới trên địa bàn quận Long Biên, giao dịch nhà đất hiện sôi động với mặt bằng giá khá cao, phổ biến từ 20-40 triệu đồng. Đơn cử đất khu Tư Đình, Làng Trạm trước Tết chỉ 21-22 mà hiện giá đã lên 27-28 thậm chí 36 triệu đồng/m2. Đất mặt phường Bồ Đề, Lâm Du hầu hết toàn 40-42, đất Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ lại là mức khác nữa.
Trong khi đó mặt bằng đất thổ cư ở huyện Gia Lâm nhìn chung rơi vào khoảng 8-25 triệu đồng/m2. Khu thị trấn Trâu Quỳ giá cao hơn từ 18-25 triệu đồng, khu Bát Tràng, Đông Dư, Cổ Bi, Kiêu Kỵ... giá cũng cao hơn thời điểm cuối 2009 từ 20-40%.
Giá đất lên nhanh khiến vợ chồng chị Thu Giang sống ở khu Yên Viên, Gia Lâm vừa phải chào thua ý định mua cho bố mẹ (hiện đang sống ở Hưng Yên) mảnh đất lân cận nhà anh chị. Cách đây 4 năm, mảnh đất họ mua và đang sống chỉ có 5 triệu đồng/m2. Tâm lý cho rằng đất ở đây “rẻ như cho, mấy năm chẳng bao giờ thấy lên”, có khoảng 1 tỷ đồng trong tay dành mua đất cho bố mẹ nhưng họ cứ bình chân. Khoảng tháng 4, tháng 5 vừa rồi, đất bỗng dưng mỗi ngày một giá, người nội thành về mua nườm nượp, khu vực xung quanh đều lên đến 25 triệu đồng, anh chị tiếc hùi hụi.
Không chỉ đất thổ cư, thị trường căn hộ thuộc khu phía Đông cũng có những chuyển biến sôi nổi hơn hẳn khu phía Tây. Chẳng hạn với mức giá dao động từ 1,5-2 tỷ đồng/căn hộ diện tích từ 70-90m2, giai đoạn chào bán chung cư Rừng Cọ thuộc dự án Ecopark, theo ông Nguyễn Dũng Minh - Giám đốc bộ phận bán hàng của Savills VN có tuần tiếp nhận đến 1.000 lượt khách hàng đăng ký mua.
Dưới góc nhìn của dân kinh doanh, sở dĩ bất động sản khu phía Đông đang hấp dẫn người dân và nhà đầu tư là thực tế và triển vọng phát triển hơn nữa về cơ sở hạ tầng cũng như mức giá của nó. “Giữa một bên là việc bỏ lượng vốn lớn, các mức giá dường như đã chạm trần với một bên là sự tham gia tương đối dễ dàng, giá còn khả năng lên tiếp, thì bên nào hấp dẫn đầu tư hơn?!” - lãnh đạo một sàn giao dịch khu vực Mỹ Đình so sánh.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet