Giá đất Cam Lâm vút lên sau khi “đại bàng” xuất hiện

Cập nhật 29/03/2022 15:32

Giá đất ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bắt đầu tăng phi mã sau khi một tập đoàn lớn đề xuất ý tưởng đầu tư dự án tại đây.

Rao bán đất khắp nơi ở Cam Lâm. Ảnh: TẤN LỘC

Những ngày này, đường đi các xã Cam Hiệp Nam, Cam An Nam của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) nườm nượp ô tô của những người đi mua đất. Vào nhà nào ở hai xã này người dân cũng bàn chuyện bán đất, sẵn sàng dẫn khách đi xem đất.

Nhà nhà bán đất

Đang làm nhân viên bán xăng tại một cây xăng ở xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, khi nghe hỏi nơi nào đang bán đất, ông Lê Hữu Tiến sốt sắng hướng dẫn đến xã Cam Hiệp Nam. Ông Tiến nhiệt tình giới thiệu khu vực nào đang có nhiều đất bán, giá cả ra sao rồi cho các số điện thoại chủ đất.

“Đất ở Cam Hiệp Nam đang sốt lắm. Sau khi tập đoàn đến chuẩn bị làm dự án đô thị thì rất nhiều người đến tìm mua, giá tăng ào ào. Ai mua nhanh thì mới còn đất đẹp” - ông Tiến hào hứng nói. Thấy chúng tôi dừng xe trước một quán nước ở thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, một số người dân hỏi ngay: “Đi mua đất hả?”. Theo nhiều người dân địa phương, giá đất ở Cam Hiệp Nam tăng từng ngày sau khi một tập đoàn lớn dự định làm dự án đại đô thị tại đây. Hằng ngày, nhiều nhà đầu tư, môi giới bất động sản (BĐS) từ các nơi đổ xô đến xem đất, mua đất. Thấy vậy, người dân đua nhau bán đất, đẩy giá lên cao. Nhiều lô đất trước đây có giá dưới 100 triệu đồng/mét ngang nay tăng lên 180 triệu đến trên 300 triệu đồng. Nhiều lô đất vườn trước có giá chỉ 500-700 triệu đồng nay tăng lên 2-3 tỉ đồng.

Theo người dân địa phương, giá các lô đất mặt tiền đường rộng đang nhảy vọt. “Thực ra đến giờ chưa ai biết quy hoạch sau này như thế nào, dự án làm chỗ nào, mốc giới ở đâu. Nhiều người chỉ nghe nói khu Cam Hiệp Nam, Cam An Nam rồi đua nhau mua bán đất” - ông Nguyễn Thanh Ngân (ngụ thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam) nói.

Không chỉ mua bán đất ở, nhiều người còn vào sâu trong các khu vườn, rẫy lùng sục mua gom đất vườn, đất nông nghiệp. Bà Trần Thị Hoa (xã Cam An Nam) đưa chúng tôi vào sâu trên một con đường nhỏ, len lỏi giữa các khu vườn, chỉ vào một đám ruộng đang trồng mía của bà, báo giá 110 triệu đồng/mét ngang. Tính ra, mảnh đất nông nghiệp rộng 300 m2 này có giá đến 1,1 tỉ đồng.

Gần 10 ngày nay, ông Trần Văn Cao, làm môi giới BĐS ở TP Nha Trang, lên ở lại luôn tại Cam An Nam để tiện giao dịch. Ông Cao nói: “Giá đất ở đây chỉ mới bắt đầu tăng và sẽ sôi động nên mình phải đón đầu. Sắp tới công bố quy hoạch, các nhà đầu tư sẽ đổ về đây”.

Công khai quy hoạch để ngừa thổi giá

Ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS tỉnh Khánh Hòa, cho rằng thị trường tại một số địa phương ở tỉnh này nóng lên sau khi có thông tin quy hoạch, các tập đoàn lớn sẽ đầu tư vào Khánh Hòa đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Việc mua đất đang được quy hoạch có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy, xảy ra tranh chấp… Trước khi đầu tư, người mua cần tìm hiểu kỹ từ các cơ quan chức năng” - ông Hoàng nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, xác nhận tình trạng mua bán đất ở địa phương đang tăng đột biến. “Nếu nói nguyên nhân do thông tin tập đoàn lớn đề xuất đầu tư dự án là chưa đầy đủ. Thật ra, trước kia đã có những đợt như thế rồi” - ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, việc mua bán đất đai, tài sản hợp pháp là quyền của người dân, chính quyền không can thiệp. Việc giá đất tăng cao, chính quyền cũng không dùng biện pháp hành chính để xử lý được. Tuy nhiên, để tránh tình trạng sốt đất ảo, giới đầu cơ đưa ra những thông tin lừa đảo người dân, huyện sẽ thông tin, công khai các quy hoạch, dự án, định hướng phát triển để người dân quyết định đối với tài sản của mình.

Sau khi các tập đoàn lớn đến Cam Lâm nghiên cứu quy hoạch, đề xuất ý tưởng đầu tư các dự án, huyện Cam Lâm đã thành lập ban chỉ đạo về đất đai, quy hoạch để ngăn chặn tình trạng rao bán đất, dự án không đúng quy định pháp luật. UBND huyện đã giao Phòng TN&MT phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất để người dân nắm.

Theo người đứng đầu chính quyền huyện Cam Lâm, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm với mục tiêu phát huy hiệu quả tiềm năng, phát triển huyện trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

“Chắc chắn sẽ có nhiều điều chỉnh về quy hoạch. Do đó, trong giai đoạn này người dân không nên đầu cơ đất đai khi chưa nắm rõ các quy hoạch để tránh gặp rủi ro” - ông Bảo khuyến cáo.•

Khánh Hòa siết việc chuyển mục đích sử dụng đất

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay tỉnh vừa ban hành quy định mới về kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân nhằm tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng (đối với khu vực đô thị) hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn (đối với khu vực nông thôn) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

UBND tỉnh Khánh Hòa nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có, dẫn đến hình thành các điểm dân cư mới chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng khu vực, gây ra tình trạng phân lô bán nền tràn lan.

Ngoài ra, tỉnh còn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP tiến hành rà soát, kiểm tra lại các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng của địa phương.


DiaOcOnline.vn – Theo PLO