Giá đất bồi thường mơ hồ, ai hưởng lợi?

Cập nhật 29/03/2013 13:51

Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng tham nhũng đất đai trở nên phức tạp là do cơ chế đền bù giá đất chưa rõ ràng.

Tại buổi Tọa đàm Góp ý Luật đất đai (sửa đổi) diễn ra chiều 28/3 tại kênh VTC 14  - Đài truyền hình kỹ thuật số, hai vấn đề được nhiều độc giả quan tâm nhất là cơ chế bồi thường giá đất và việc sử dụng hợp lý, tránh gây lãng phí tài nguyên đất.

Tham nhũng đất đai là lớn nhất

Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật Đất đai, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng, hiện nay cơ chế chính sách chưa giải quyết phần lợi tức được tạo ra từ đất đai do quy hoạch của nhà nước và thay đổi mục đích sử dụng đất.

Giá bồi thường thấp. Thu hồi đất thì nhà nước bồi thường theo giá đất nhà nước quy định nhưng giao cho chủ đầu tư chuyển sang mục đích khác thì giá lại cao lên. Từ sự chênh lệch đó cộng thêm việc không có cơ chế rõ ràng nên rất dễ xảy ra tình trạng tham nhũng tiêu cực và làm giàu bất chính.

Cụ thể, ông Tuyến chỉ ra các quy định thu hồi đất hiện nay rất “mơ hồ”, dễ thấy nhất là vấn đề giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Giá bồi thường là một cơ sở quan trọng để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân khi bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, trong cơ chế giá bồi thường hiện nay lại chưa hợp lý, nhà nước vẫn được giao quá nhiều quyền. Cụ thể, Ủy ban nhân tỉnh có thẩm quyền thu hồi đất, nhưng cũng lại là người  xây dựng khung giá đất của địa phương và lấy đó làm cơ sở tính giá bồi thường cho người dân.

“Cái này không hợp lý, dễ nảy sinh sự tùy tiện. Trong trường hợp mà người ta đặt lên bàn cân giữa lợi ích người dân, nhà nước và nhà đầu tư thì chắc là lợi ích nhà nước và chủ đầu tư sẽ nhiều hơn người dân”, ông Tuyến nói.


Thứ hai là nguyên tắc xác định gía đất quá trừu tượng ở chỗ là giá đất nhà nước xác định không theo giá thị trường nhưng phải theo một nguyên tắc là sát với giá chuyển nhượng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường.

“Chúng ta phải hiểu thế nào là sát, sát trên hay sát dưới. Thị trường là thị trường nào? Thị trường nhà nước đầu tư, hay thị trường có tổ chức, hoặc thị trường ngầm? Những câu hỏi là đã không thể giải đáp được trong Luật 2003”, ông Tuyến khẳng định.

Liên quan đến vấn đề giá đất bồi thường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính cũng thừa nhận, việc tìm ra giá thị trường, việc lưu hồ sơ và theo dõi biến động giá thị trường như thế nào là chúng ta vẫn chưa làm được.

Đối với giá đất bồi thường, hiện có 2 phương án được đặt ra. Phương án 1: Bảng giá đấy địa phương sẽ sử dụng cho mọi mục đích và ban hành 5 năm/1 lần.

“Nếu áp dụng bảng giá này để xác định nghĩa vụ của người dân như nộp thuế, xử phạt vi phạm hành chính sẽ cơ bản tốt vì nó thấp nên người dân dễ chấp nhận. Nhưng nếu dùng bảng giá đó bổi thường người dân sẽ không bao giờ chấp nhận”, ông Chính phân tích.

Phương án 2 là bảng giá khi có biến động thì điều chỉnh và chỉ sử dụng trong một số trường hợp như: tính thuế, tính lệ phí trước bạ, nghĩa vụ tài chính với nhà nước,…Còn vấn đề bồi thường sẽ xác định giá cụ thể. Phương án này cũng rất khó vì phải có nghiên cứu, phân tích, đánh giá mức giá thị trường cụ thể.

Giao đất vẫn còn cơ chế xin – cho

Bên cạnh những thắc mắc về cơ chế đền bù giá đất, vấn đề lãng phí đất đai cũng nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Theo ông Đào Trung Chính, lãng phí đất đai là thực tiễn đã xảy ra và đáng tiếc là xảy ra trên diện rộng, khắp các tỉnh, thành phố. Đây là một hạn chế mà Bộ Tài nguyên môi trường đã chỉ ra sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai.

Bên cạnh đó hệ thống pháp luật còn nhiều quy định phức tạp gây khó khăn cho người dân và chính quyền.

Quy hoạch sử dụng đất với phát triển xã hội và quy hoạch phát triển ngành chưa đồng bộ, liên kết giữa vùng, địa phương, trong đó có quy hoạch dài quá, không khả khi nên xuất hiện nhiều dự án treo.

Ông Chính cũng cho biết, một trong các nguyên nhân khách quan khiến các dự án thu hồi đất xong bỏ hoang là do suy thoái kinh tế, nhiều chủ đầu tư muốn triển khai nhưng không đủ tiềm lực

Chủ quan là do thiếu tính liên kết, đồng bộ trong quy hoạch. Các địa phương hút đầu tư mở ra nhiều khu công nghiệp nhưng không tính toán đến nhân lực và tiềm lực.

Trong việc giao đất vẫn còn tính bao cấp, cơ chế xin – cho, chưa thực hiện việc đấu giá để lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực để thực hiện, nhiều dự án được giao cho chủ đầu tư không có tiềm lực.

Ông Nguyễn Quang Tuyến cũng cho biết, trong luật chưa có tiêu chí thu hồi đất, sử dụng đất có hiệu quả, nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng điều này để xí đất rồi để đấy, gây lãng phí tài nguyên đất.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News