Giá đất Bắc - Nam: Vì sao nhà đất Hà Thành lại đắt?

Cập nhật 17/10/2014 08:43

Hai đầu thị trường địa ốc của cả nước (Hà Nội và Tp.HCM) luôn có sự liên kết tương thông theo định hướng quản lý chung của Nhà nước. So sánh "hơn - kém" về môi trường đầu tư, độ chuyên nghiệp và minh bạch của DNcũng như điều hành sở tại thì rất khó. Tuy vậy, thực tế giá nhà đất ở Thủ đô xưa nay vẫn cao hơn hẳn tại Tp.HCM.

Mới đây, trong dịp được "giao lưu" cùng một số "đại gia" từng sinh sống ở Tp.HCM nhiều năm rồi chuyển ra Hà Nội, người viết được chia sẻ những nhận định thú vị về đất đai tại đô thị phát triển hàng đầu cả nước.

Đất Thủ đô, bao giờ chẳng đắt

Cơ bản, họ đều thừa nhận: giá trị BĐS ở Hà Nội thường vượt xa Tp.HCM. Cùng một vị trí trung tâm đô thị, đều là loại hình chung cư trung cấp tầng 12, nhưng một căn hộ ở Thủ đô có giá tới 30 - 33 triệu đồng/m2. Trong khi đó, ở quận 2 (Tp.HCM), một căn tương đương chỉ có giá tròm trèm 26 - 27 triệu đồng/m2.

Ở thời điểm thanh khoản BĐS tại phía Bắc còn "lẹt đẹt" và liên tiếp phá đáy (2012 - 2013), sản phẩm chung cư ở các khu vực nội đô như Trung Hòa - Nhân Chính, Trường Chinh - Giải Phóng, Cầu Giấy - Nguyễn Khánh Toàn vẫn "kiên trì" mức giảm 2 - 3 giá (không đáng kể - PV).

Nhìn về phía Nam, những DN tạo lập chung cư thương mại ở Tp.HCM đã tiết giảm giá bán lên tới 30 - 50% so với lúc mở bán. Trường hợp của Novaland với hàng loạt dự án siêu giảm giá tại quận 2, 7, Phú Nhuận là điển hình rõ nhất. Quả thật, đất Hà Nội lúc nào cũng đắt (!)

Ông Hạnh, từng công tác trong ngành tài nguyên môi trường và sinh sống hơn 10 năm tại phía Nam, nhìn nhận: Không riêng chuyện chung cư thương mại, đất thổ cư ở Thủ đô mới thực "xắt ra miếng". Chỉ khoanh vùng đơn cử nội thành và khu vực "đệm" (giáp ranh trước khi tới ngoại thành), giá đất Hà Nội "ăn đứt" vị trí tương đương ở đô thị phía Nam.

So sánh nhanh, tháng 10/2014, giá lô đất 250m2 tại mặt đường quận 1 (trung tâm Tp.HCM) chỉ ở khoảng 150 triệu đồng/m2. Tương đương vị trí như vậy, là các "tấc vàng" ở đường Trần Hưng Đạo, Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Thợ Nhuộm, Phan Bội Châu. Theo lời ông Đức, cán bộ kiểm toán của DN nước ngoài đặt tại Hà Nội, "có tiền chưa chắc đã mua được ở những nơi đó, chứ đừng nói tới mặc cả, ngã giá". Bởi lẽ, rẻ nhất cũng vào khoảng 350 triệu đồng/m2 tại mặt phố quận Cầu Giấy mà chủ nhà còn… không thèm bán.

Quy hoạch vùng Thủ đô đang được triển khai, nhưng hy vọng giảm giá đất vẫn phải chờ dài dài

Trong khi ở mặt đường Bà Triệu hay Phố Huế, giá trị được tạm tính theo đơn vị tỷ đồng/m2 trở lên (dù hầu hết không có người bán nên độ chuẩn xác chỉ người trong cuộc mới nắm được). Đắt như đất mặt đường Đồng Khởi (quận 1) thì may ra mới "sánh" được với phổ giá 1,2 - 1,8 tỷ đồng/m2.

Đầu tiên, yếu tố khiến giá trị BĐS ở Hà Nội luôn cao vút so với Tp.HCM là tư duy, quan điểm sống của khu vực đồng bằng sông Hồng. An cư lạc nghiệp, câu thành ngữ này phản ánh chính xác tâm tư, mục đích phấn đấu của cư dân Bắc bộ.

Những lý do "bất di bất dịch"

Ở chiều hướng khác, tư duy "an cư lạc nghiệp" lại không tồn tại ở Đồng bằng sông Cửu Long, thay vào đó là nét hào sảng, phóng khoáng và có phần thiếu căn cơ.

Có lẽ, như một điều ám thị, bao lâu nay, những sinh viên, học viên từ Hà Giang trở xuống và khu vực Bắc Trung bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh) trở ra đều phấn đấu học tập và làm việc ổn định tại Hà Nội.

Xét theo góc độ phát triển đô thị và định hướng quy hoạch, điều này rất hợp lý. Bởi ngoài đóng vai trò là trung tâm hành chính - văn hóa - chính trị, Hà Nội luôn giữ vị thế đầu tàu cả nước về phát triển kinh tế bên cạnh Tp.HCM.

Vì vậy, tìm về Hà Nội như một cơ hội để sinh nhai, tồn tại và khẳng định giá trị bản thân là điều nên làm. "Cứ nhìn những số liệu về lượng lao động nhập cư vào Thủ đô hàng năm là rõ. Có lẽ, một phần cơ sở để Hà Nội quy hoạch mở rộng chính ở vấn đề đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân", bà Lan, một lãnh đạo DN chuyên về Logistics thuộc tốp đầu ở khu vực Đông Bắc bộ phân tích.

Sở hữu nhiều biệt thự lẫn nhà mặt phố trải từ Thanh Hóa tới Tp.HCM, nhân vật tên Hoàng kết luận: Giá nhà đất ở trung tâm Hà Nội và Tp.HCM cũng "xêm xêm" nhau. Nhưng ở các quận khác, cùng loại BĐS, ở Hà Nội thường đắt gấp rưỡi (!) Tp.HCM vốn phát triển đều giữa các khu vực nên khái niệm "trung tâm" cũng chỉ tương đối; giá trị cũng không vênh nhau quá lớn.

Thêm nữa, quỹ đất vùng ven đô thị của Tp.HCM rộng hơn Hà Nội, nên nhà quản lý dễ dàng quy hoạch phát triển vệ tinh hơn. Nhiều lựa chọn sinh sống như Cần Thơ, Biên Hòa, Vũng Tàu... "không kém gì" nội thành Tp.HCM, nên rõ ràng khách hàng được mua với giá dễ chịu trông thấy.

Nói theo kinh tế học, người miền Nam xem nhà đất chỉ là hàng hóa, nên sẵn sàng xoay vòng, lưu thông nếu cần tiền. Còn người Bắc, nhà đất là tài sản nên giữ gìn và cố gắng làm giá trị "đắt" hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh