Giá chung cư tăng vọt sau 'sốt đất', người có nhu cầu chuyển hướng đi thuê

Cập nhật 18/08/2022 13:50

Nguồn cung khan hiếm, cộng với cơn “sốt đất” hồi đầu năm đã khiến giá nhà tăng cao, vượt khả năng chi trả của nhiều gia đình, nên thay vì mua nhà, nhiều người lựa chọn đi thuê nhà.

Chỉ trong vòng vài tháng, giá căn hộ Hà Nội đã tăng từ 100 – 200 triệu đồng/căn. (Ảnh: Lộc Liên)

Giá chung cư tăng mạnh trong vài tháng

Đầu năm 2022, khi vợ (làm việc tại một trung tâm thể thao ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) sinh con trai đầu lòng, anh T (Hoài Đức, Hà Nội) nung nấu ý định mua một căn hộ nội thành, để vợ đi làm cho tiện và có thời gian chăm sóc con trai hơn.

Nói là làm, anh T bắt đầu tìm hiểu và khảo sát giá các căn hộ khu vực Nam Từ Liêm, Cầu Giấy,… Tuy nhiên, lúc này anh T chưa tích cóp và mượn đủ tiền, nên anh vẫn chần chừ với việc mua nhà.

Đến khoảng tháng 6 vừa qua, khi vợ đi làm lại, anh T tiếp tục đi khảo sát giá để quyết định mua nhà, thì anh tá hỏa phát hiện giá các căn hộ mà mình từng hỏi, đã tăng từ 100 – 200 triệu đồng/căn chỉ trong vòng vài tháng.

Cụ thể, theo Batdongsan.com.vn, tại khu vực quận Cầu Giấy, chỉ trong vòng 3 tháng gần đây, tùy từng dự án mà giá bán đã tăng từ 1-3 triệu đồng/m2. Tương tự, tại quận Thanh Xuân, các dự án chung cư có vị trí trung tâm cũng ghi nhận mức tăng trung bình từ 100-200 triệu đồng/căn so với khoảng 3 tháng trước.

Tại Hà Đông, một số dự án giá rẻ ở xa trung tâm hay các dự án thuộc phân khúc trung cấp cũng ghi nhận mức tăng 100-250 triệu đồng/căn…

Còn ở Hoài Đức, các dự án chung cư cũng ghi nhận mức tăng từ 100-200 triệu đồng/căn trong vòng 6 tháng đầu năm 2022. Thậm chí, một số dự án ở xa trung tâm thuộc huyện Đan Phượng cũng ghi nhận mức tăng lên tới vài trăm triệu đồng chỉ trong thời gian 3 đến 6 tháng.

Đáng chú ý, không chỉ phân khúc căn hộ tăng giá mà loại hình nhà tập thể cũ có tuổi đời hàng chục năm thuộc các quận trung tâm cũng đang tăng giá với mức tăng trung bình từ 150-300 triệu đồng/căn (tùy vị trí, độ cũ, mới). Mức tăng này cũng diễn ra tương tự tại nhà tập thể Giảng Võ, nhà tập thể Kim Liên, tập thể Nguyễn Thái Học, tập thể Đường Láng,...

Chuyển hướng từ mua sang thuê nhà

Trước thực trạng giá nhà tăng cao trong thời gian ngắn, anh T và vợ quyết định dừng việc mua nhà, chuyển sang thuê một căn hộ 2 phòng ngủ tại Nam Từ Liêm với giá 8 triệu đồng/tháng.

“Tôi và vợ đều làm nhân viên nhà nước, tổng mức lương không dao động quá mức 25 triệu đồng/tháng, nên việc vay mượn để mua một căn nhà trong khoảng 1,5 – 2 tỷ đồng là quá mạo hiểm, nhất là trong thời điểm giá nhà liên tục tăng cao thế này. Vì thế, trước mắt chúng tôi quyết định đi thuê nhà để ở, bởi vì giá thuê nhà một năm không bằng một nửa mức tăng của một căn hộ Hà Nội trong vài tháng”, anh T nói.

Tương tự anh T, gia đình chị Đ (Bắc Giang) cũng vừa thuê một căn hộ khu vực quận Cầu Giấy với giá 10 triệu đồng/tháng, thay vì mua nhà.

“Tôi và chồng hiện tại đều làm việc ở Hà Nội, nên chúng tôi đưa luôn 2 con đang học tiểu học ra đây để dễ quản lý, chăm sóc. Ban đầu tôi cũng có ý định bán nhà ở quê, vay thêm ngân hàng để mua một căn hộ tầm trung ở Hà Nội.

Tuy nhiên, gần đây nhiều ngân hàng siết chặt các khoản vay với lĩnh vực bất động sản, hoặc thông báo đã hết room tín dụng, cộng với việc giá nhà cứ leo thang từng ngày, nên vợ chồng tôi chuyển hướng đi thuê cho tiện”, chị Đ cho biết.
Việc nguồn cung nhà ở mới hạn chế, đặc biệt là đối với các căn hộ giá rẻ và giá bán căn hộ ngày càng tăng cao đã khiến nhu cầu thuê nhà để ở tăng lên, qua đó đã làm giá thuê tăng lên.

Thực vậy, Báo cáo thị trường của viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết nhu cầu tìm kiếm và giá cho thuê trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cuối năm 2021. Theo viện này, việc nguồn cung nhà ở mới hạn chế, đặc biệt là đối với các căn hộ giá rẻ và giá bán căn hộ ngày càng tăng cao đã khiến nhu cầu thuê nhà để ở tăng lên, qua đó đã làm giá thuê tăng lên.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, sau 2 năm đại dịch, mức độ quan tâm tới mảng cho thuê tiếp tục phục hồi, nếu như lấy Quý II/2020 cho thuê ở mức 100%, thì đến Quý II/2021 tăng 113%, đặc biệt Quý II/2022 tăng 137%.

Sự phục hồi này diễn ra mạnh mẽ ở cả Hà Nội và TP HCM và trên hầu hết các loại hình bất động sản. Trong đó, tại Hà Nội, mức độ quan tâm cho thuê từ năm 2020 đến năm 2022 tăng 25%, còn tại TP HCM tăng 23%.

Nhận định về thực trạng này, một môi giới chung cư cho rằng, cơn “sốt đất” hồi đầu năm đã khiến giá nhà tăng cao, vượt khả năng chi trả và mức thu nhập của nhiều gia đình. Do đó, thay vì mua nhà, nhiều người lựa chọn thuê nhà để phù hợp với khả năng tài chính hơn.

Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng cao là do nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu ở thực của người dân là rất lớn và hiện hữu. Bên cạnh đó, giá bán chung cư tăng còn do giá nguyên vật liệu xây dựng, chi phí nhân công, thời gian dự án kéo dài do tắc pháp lý... Bên cạnh đó, việc giá đất nền, nhà phố tại các khu vực vùng ven các TP lớn tăng mạnh cũng đã đẩy giá căn hộ chung cư theo đà tăng cao…

DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong