Hội đồng nhân dân TP Hà Nội khoá XIII kỳ họp thứ 11 vừa thông qua Nghị quyết về việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn TP Hà Nội năm 2008. Báo giới đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quang Thành - GĐ Sở Tài chính Hà Nội một số vấn đề xung quanh Nghị quyết này.
* Thưa ông, có thể nói rằng các phương án điều chỉnh, bổ sung giá các loại đất của TP Hà Nội lần này hầu như đều áp dụng mức giá tối đa theo khung hiện hành của Chính phủ?
Các mức giá đất ban hành đảm bảo trong khung quy định của Chính phủ. Trong đó một số khu vực sẽ được quy định mức giá tối đa theo khung của Chính phủ và thẩm quyền của UBND TP theo hướng có lợi cho đại đa số người dân.
Việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn TP Hà Nội năm 2008 như vậy đảm bảo phù hợp với quy định của luật đất đai 2003, và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của Nhà nước, giá các loại đất được xác định từng bước tiếp cận với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trên cơ sở kết hợp việc thu thập thông tin điều tra giá chuyển nhượng QSD đất thực tế với việc phân tích loại trừ các yếu tố không bình thường của thị trường để nhằm giải quyết những mâu thuẫn, bất cập hiện nay theo hướng hài hoà lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và người có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh tế xã hội của thủ đô, đảm bảo sự ổn định về phát triển kinh tế - xã hội của TP, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP, thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là đất đai trong đô thị, các vùng trung tâm của TP.
* Nhưng một số ý kiến cho rằng, phương án tăng giá đất lại không đều, cụ thể tỷ lệ tăng giá đất ở trong đô thị, các vùng trung tâm chỉ tăng khoảng 20% trong khi giá đất nông nghiệp lại tăng 50%, thậm chí cao hơn?
Việc xác định giá đất và khung giá các loại đất được áp dụng theo quy định của Nghị định 123/2007/NĐ - CP ngày 27/7/2007 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 188/2004/NĐ - CP ngày 16/11/2004, điều chỉnh quy định về giá đất nông nghiệp được xác định không căn cứ vào hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp mà phân loại theo khu vực, vị trí, lấy tiêu thức chính là khoảng cách từ khu dân cư tới nơi sản xuất, từ nơi sản xuất tới nơi tới thị trường tiêu thụ tập trung.
Khung giá các loại đất nông nghiệp điều chỉnh tăng khoảng 50% giá đất so với khung giá tại Nghị định 188/2004/NĐ - CP ngày 16/11/2004, cộng với sự điều chỉnh theo thẩm quyền của UBND TP (vượt khung 20%), vì vậy khung giá các loại đất nông nghiệp điều chỉnh tăng trên 50%. Việc tăng giá như vậy là hoàn toàn đúng quy định. Còn nguyên tắc xác định giá đất ở khác với nguyên tắc xác định giá đất nông nghiệp. Chính vì vậy mà có sự chênh lệch về tỷ lệ.
Giá đất ở về tổng thể, đạt mức tối đa theo khung của Chính phủ quy định theo hướng: không điều chỉnh đồng đều đối với mọi đường phố mà mức điều chỉnh lớn nhất tập trung vào các đường phố tại khu vực trung tâm buôn bán, thương mại, và các khu vực đã được nhà nước, TP đầu tư cơ sở hạ tầng.
* Cụ thể giá đất ở được ban hành mức giá thế nào, thưa ông?
Giá đất đô thị: tại các quận nội thành mức tối đa là 67,5 triệu đ/m2, mức tối thiểu là 2,5 triệu đ/m2. Tại khu vực thị trấn, mức tối đa là 16 triệu đ/m2, mức tối thiểu là 1,5 triệu đ/m2; đất ở tại các khu dân cư nông thôn: mức tối đa là 2,25 triệu đ/m2, mức tối thiểu là 120 nghìn đ/m2; đất tại khu vực giáp ranh đô thị, ven trục đường giao thông chính, khu vực quy hoạch đô thị tại các xã ngoại thành áp dụng theo khoản 2 điều 6 chương II, điều 12 chương III của NĐ 188, khoản 10 điều 13 của NĐ 123 để xác định cụ thể cho từng khu vực.
* Trước tình hình biến động có xu hướng tăng của thị trường nhà đất năm 2007 và dự báo trong năm 2008 tình hình chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ còn tiếp tục sôi động, tuy nhiên việc quy định giá các loại đất của TP Hà Nội vẫn chưa thể quy định chi tiết đến từng tuyến đường, tuyến phố, cụm dân cư... sẽ khó đảm bảo đồng bộ và thống nhất trong quá trình thực hiện?
TP sẽ quy định cụ thể điều chỉnh tăng giá đất là hợp lý chi tiết, đồng thời bổ sung giá một số loại đất, bổ sung giá đất một số đường phố còn thiếu trong bảng giá, đường phố mới được Nhà nước và TP đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây mới, đường phố mới được TP đặt tên... Việc này sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản triển khai thực hiện.
* Thưa ông, việc quy định giá đất nông nghiệp giữa các xã ngoại thành, giáp ranh có độ chênh lệch lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc gia tăng khiếu kiện của người dân cũng như ảnh hưởng đến tiến độ các dự án khi mà mức đền bù GPMB trong cùng một dự án có sự chênh lệch khá lớn? Tại sao không quy định theo giá đất đồng bằng và đất trung du?
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, các dự án xây dựng khu đô thị mới ở các khu vực ngoại thành cũng không ngừng gia tăng, tuy nhiên dự án nào cũng vậy, không thể chỉ có một mức giá quy định cho tất cả các đối tượng được đền bù GPMB.
Việc quy định giá đất cụ thể, và khác nhau giữa các xã ngoại thành là hợp lý và giúp cho quá trình triển khai thực hiện được cụ thể hơn.
* Vậy việc một số xã ngoại thành mới được chuyển lên phường, giá đất tăng khiến DN gặp nhiều khó khăn khi hạch toán tiền thuê đất, ảnh hưởng đến thu ngân sách của Nhà nước thì TP có giải pháp gì?
Chính việc ban hành khung giá sẽ giúp các DN có được mức giá chuẩn để cân đối việc thuê đất, tránh việc lằng nhằng trong việc thanh toán tiền thuê đất kéo dài.
* Xin cảm ơn ông.
“Hà Nội hiện nay có trên 600 đường, phố, 95 xã ngoại thành và khoảng 120 trục đường giao thông tại các huyện ngoại thành.
Trong tình hình hiện nay, thì việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn TP Hà Nội sẽ góp phần vào việc làm bình ổn thị trường BĐS có nhiều "bong bóng", là công cụ quản lý thị trường BĐS hữu hiệu và đưa thị trường trở trở về giá trị thực của nó.
Có thể thị trường sẽ chững lại vì nhiều NĐT ngừng giao dịch. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án BĐS nói chung sẽ sôi động trở lại vì có "giá chuẩn". Điều đó tác động tốt đến thị trường và đảm bảo tiến độ các dự án”.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp