Đau đầu trong việc tìm thuê một mặt bằng kinh doanh phù hợp hay luôn sống trong lo lắng, thấp thỏm vì giá thuê cửa hàng liên tục tăng cao là thực tế mà không ít DN đang gặp phải trong bối cảnh thị trường nhà đất không ngừng sốt nóng tại Hà Nội và TP.HCM lúc này.
Được đánh giá là giai đoạn có mức phát triển nhanh nhất của thị trường bất động sản trong 3 đợt sốt giá gần đây mà tập trung chủ yếu vào thị trường nhà ở cao cấp, nhưng giá thuê mặt bằng để kinh doanh của nhiều DN hiện nay cũng không nằm ngoài xu hướng leo thang chung của cả thị trường.
“Thấp thỏm” vì giá!
Là một thương hiệu có tiếng với hơn 20 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng sức ép giá cả leo thang, đặc biệt là giá thuê mặt bằng, đang là nỗi lo đối với ông Hồ Thế Sơn - GĐ điều hành Công ty Dệt may Nguyên Tâm, đơn vị sở hữu nhãn hiệu thời trang Foci.
Nhận định về mức tăng với 2 chữ “khủng khiếp”, ông Sơn cho biết, không phải một mà giá thuê các cửa hàng đều tăng gấp đôi so với trước đó. Đặc biệt, đối với những vị trí đang kinh doanh tốt thì DN “lúc nào cũng sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo sợ bị huỷ hợp đồng!”
Trong khi đó, theo tính toán của anh Duy Phúc - Phụ trách kinh doanh nhãn hiệu Blue Exchange, giá thuê mặt bằng mỗi năm trước chỉ tăng trung bình từ 5 - 10%, thì năm vừa rồi, đều vọt lên 20%.
Hiện với diện tích trưng bày từ 100 - 300m2, giá thuê mặt bằng tại TP.HCM và Hà Nội dao động từ 4.000 - 8.000USD/tháng, không ít cửa hàng của Blue Exchange lúc này, lợi nhuận không đủ bù chi phí.
Anh Phúc tâm sự: “Đây là điều rất khó chấp nhận và bất hợp lý nhưng trong quá trình hội nhập, chúng tôi không thể làm khác được ngoài việc phải duy trì hệ thống để khẳng định sự tồn tại và tầm vóc của thương hiệu”.
Để đối phó, người phụ trách kinh doanh này cho hay, một mặt cố gắng khai thác tối đa hiệu quả kinh doanh của mỗi cửa hàng, lấy doanh thu từ những nơi khác để đập vào những điểm có giá thuê cao, đồng thời, hạn chế tối đa việc mở thêm cửa hiệu lúc này.
Kiếm mặt bằng: không phải khó mà là… cực khó!
Không chỉ chuyện tăng giá mà để tìm được một vị trí kinh doanh phù hợp, đạt yêu cầu đối với đa số DN vừa và nhỏ hiện nay là vấn đề không đơn giản.
Chị Thuỳ Linh, nhân viên Công ty Gốm sứ Đa Trường Thịnh, trụ sở tại Hà Nội kể, sau việc đăng tải trên hơn chục trang rao vặt về nhu cầu thuê một cửa hàng khoảng 30m2 ở những phố có mặt tiền đẹp như Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo để kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ thì sau hàng tháng trời chờ đợi, không nhận được một hồi âm nào.
Ngay cả việc đích thân đi tìm kiếm, công ty cũng chưa nhắm được điểm nào, bởi theo chị Linh, vấn đề không phải là giá cả mà các vị trí đắc địa đã gần như hết, chỉ còn những chỗ trong ngóc ngách, hoặc có thì cũng không đáp ứng được các tiêu chuẩn của công ty.
Với 30m2 đã vậy, chưa nói đến nhu cầu thuê 500 m2 ở khu trung tâm, thuận tiện giao thông của Công ty CP ôtô Hoàng Gia để làm showroom mới đây.
Đại diện công ty chia sẻ, nhu cầu mở thêm địa điểm để kinh doanh là rất cấp thiết vì vừa là cơ hội tạo dựng chỗ đứng, vừa là lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh ôtô đang rất sôi động hiện nay nhưng qua các hình thức tìm kiếm như thương mại điện tử, các trung tâm môi giới, đến nay, họ vẫn chưa chọn được địa điểm thích hợp.
“Quỹ đất lớn đã dành hết cho các dự án. Những chỗ trong nội thành diện tích lớn, giao thông thông thoáng rất khó kiếm, giá bị đẩy lên cao. Một số nơi nằm trong diện quy hoạch, mình tìm hiểu thì không dám đầu tư xây dựng. Còn khu vực gần các con đường mới mở, đất trống nhiều nhưng đều đã có chủ”, đại diện công ty cho biết.
Quả vậy, trong khi nhu cầu thuê mặt bằng là rất lớn mà người sở hữu đất đai và giới đầu tư lại nhìn thấy rõ lợi nhuận đem về không thể sánh bằng việc xây dựng các toà building, văn phòng cho thuê nên đối với các DN có nhu cầu mở rộng kinh doanh, đây lại càng trở thành bài toán “đau đầu”.
Tiến độ, quy mô phát triển mạng lưới kinh doanh của DN phụ thuộc rất nhiều ở việc có tìm được một mặt bằng phù hợp hay không. Chỉ lấy riêng trường hợp của Công ty Dây và Cáp điện Thượng Đình - Cadi-Sun là một ví dụ.
Được biết, kế hoạch phát triển hệ thống 10 cửa hàng nhận diện thương hiệu tại Hà Nội trong năm 2007 của Cadi-Sun đã được lãnh đạo công ty đề ra từ đầu năm, nhưng đến nay 8 cửa hàng dự kiến vẫn chưa thực hiện được chỉ vì chưa thuê được vị trí đắc địa theo nghĩa, khu vực có dân cư đông đúc, mặt tiền rộng rãi, giao thông thông thoáng.
Một điểm chung mà giới kinh doanh lớn, nhỏ sau một thời gian lăn lộn, chật vật tìm kiếm cho mình nơi đặt chân lý tưởng đều rút ra rằng, tìm được một địa điểm đáp ứng nhu cầu, mong muốn tại Hà Nội và TP.HCM lúc này không phải khó, mà là… cực khó!
Theo VietNamNet