Giá bất động sản vẫn trong xu hướng tăng suốt 20 năm qua

Cập nhật 26/05/2015 13:43

Đó là đánh giá của ông Nell MacGregor, Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam tại buổi công bố “Báo cáo về thị trường bất động sản Việt Nam trong 20 năm phát triển kinh tế xã hội (1995-2014)” cuối tuần qua.


Theo đánh giá của Savills, thị trường bất động sản còn rất nhiều tiềm năng phát triển - Ảnh: Hoài Nam

Bức tranh kinh tế ấn tượng

Savills Việt Nam cho rằng, trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế ấn tượng, liên tục đứng đầu trong biểu đồ tăng trưởng. Tăng trưởng GDP tương đối ổn định trong những năm 1990, bắt đầu tăng cao vào đầu những năm 2000 và đạt mức cao nhất vào năm 2008. Việt Nam đã đi lên từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, trở thành nước có thu nhập trung bình và có triển vọng.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết, trong giai đoạn trước, sự cạnh tranh để tìm kiếm nguồn vốn trong khu vực tương đối hạn chế. Cho đến đầu những năm 2000, Việt Nam trở thành tâm điểm của đầu tư nước ngoài và đạt đỉnh điểm của giai đoạn 1995-2014 vào năm 2008, với lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lên tới gần 70 tỷ USD. Từ đó tới nay, chất lượng nguồn vốn FDI đang có chiều hướng được cải thiện đáng kể, với sự gia tăng về tỷ lệ hấp thụ của nguồn vốn này.

“Về kiều hối, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đó cũng là yếu tố đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. Đầu tư bất động sản trực tiếp cũng có lợi khi nhận được khoảng 17 - 20% tổng lượng kiều hối”, bà Hằng nói và lý giải, khi có nhiều người Việt sinh sống ở nước ngoài quay trở về, thì việc tiếp cận với kiều hối sẽ dễ dàng hơn. Gần đây, Chính phủ đã nhận ra lợi ích này thông qua việc sửa đổi Luật Nhà ở, với việc cho phép Việt kiều được hoàn toàn sở hữu bất động sản trong nước.

Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, gần đây, một số công trình sân bay trọng điểm được xây dựng mới và nâng cấp, tạo tiền đề cho ngành du lịch phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1995 - 2014, tổng số du khách tăng đáng kể, từ hơn 1,3 triệu lượt, đến xấp xỉ 7,9 triệu lượt du khách/năm, tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường nhà ở, đặc biệt là mảng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Luật Nhà ở mới được sửa đổi hy vọng sẽ tạo điều kiện sở hữu bất động sản cho người nước ngoài, đồng thời, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và các nguồn vốn từ nước ngoài. Các sản phẩm nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế, được thiết kế hướng tới người mua là người nước ngoài đã sẵn sàng tung ra thị trường.

Sẽ không có tình trạng “bong bóng” trong 5 năm tới

Báo cáo về thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 1995-2014, Savills nghiên cứu 3 phân khúc đại diện cho thị trường là mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê và phân khúc nhà ở. Kết quả nghiên cứu của Savills chỉ ra rằng, thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới vẫn rất tiềm năng và sẽ không có tình trạng “bong bóng”  trong vòng 5 năm tới.

Cụ thể, thị trường bán lẻ hiện mới có mật độ 0,1 m2/người, trong khi tỷ lệ này tại Thái Lan là 0,7 m2 và Malaysia là 0,8 m2. Việc gần đây các thương hiệu lớn du nhập vào Việt Nam dưới hình thức nhượng quyền rất thú vị và thêm vào danh sách rất nhiều thương hiệu nước ngoài khác, bao gồm cả thương hiệu cao cấp, siêu sang… Trong tương lai, người tiêu dùng sẽ có xu hướng sử dụng những dịch vụ đắt đỏ hơn đến từ nước ngoài.

Trong khi đó, thị trường văn phòng phát triển mạnh vào những năm trước 2008 với mức giá thuê khá cao, đến nay đã chững lại do khủng hoảng kinh tế, nhưng tương lai sẽ phát triển hơn do nhu cầu đến từ khối bảo hiểm và ngân hàng.

Còn thị trường nhà ở đang ở mức đáy, tuy nhiên đang trên đà phục hồi, giá cả tương đối ổn định và hợp lý.

Theo Savills, chu kỳ thị trường bất động sản Việt Nam thường ngắn hơn các nước. Chẳng hạn ở Anh thường là 10 năm, Úc là 7 năm, còn Việt Nam là 5 năm.

“Đây có lẽ là kết quả của việc Nhà nước áp dụng chính sách tiền tệ một cách ‘trực tiếp’ hơn các nước khác”, bà Hằng nhận xét.

Đặc biệt, ông Nell MacGregor đánh giá, trong 20 năm qua, đã có những thay đổi lớn trong nền kinh tế và dân số của Việt Nam. Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển dịch dân số từ nông thôn đến thành thị và nền kinh tế chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp. Quy mô hộ gia đình giảm, thúc đẩy sự tăng trưởng của các phân khúc nhà ở. Việt Nam có nguồn dân số trẻ và lực lượng lao động tri thức.

“Theo nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), Việt Nam có sự gia tăng tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á, dự kiến tăng lên 33 triệu người cho tới năm 2020, gần gấp ba lần con số 12 triệu người của năm 2012”, ông Nell MacGregor “bật mí” và cho rằng, cơ cấu kinh tế và nhân khẩu học của Việt Nam đã thay đổi đáng kể trong những lĩnh vực then chốt, tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến thị trường bất động sản.

Cũng theo ông Nell MacGregor, trong 5 năm tới, giá sẽ không không bị “thổi” lên và thị trường sẽ không lặp lại tình trạng “bong bóng” như năm 2008 và 2010. Đặc biệt, từ ngày 1/7 tới đây, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, nhiều người nước ngoài đang háo hức, chuẩn bị tiền để mua nhà.

“Trong 5 năm tới, bất động sản Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh dựa vào sự tăng trưởng nền kinh tế vĩ mô, sự gia tăng tầng lớp trung lưu cũng như sự đa dạng về nguồn cung cầu…”, ông Nell MacGregor nói.;

Việt Nam trở thành một điểm đến đầy thu hút

Ông Neil Macgregor, Tổng giám đốc điều hành Savills Việt Nam

Thành lập vào năm 1995, Savills Việt Nam tiền thân là Chesterton Petty Việt Nam. Công ty khi ấy chỉ có 5 nhân sự làm việc tại một văn phòng nhỏ trên phố Phạm Sư Mạnh, Hà Nội.

Trở thành đại diện thương mại độc quyền cho 2 dự án Diamond Plaza và Indochine Park (TP. HCM) vào năm 2002 là những dấu ấn quan trọng đầu tiên của Công ty trong suốt quá trình vận hành lâu dài của mình.

Năm 2007, Tập đoàn Savills, nhà cung cấp dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới đã quyết định đầu tư, mua lại Chesteron Petty Vietnam và đổi tên Công ty thành Savills Việt Nam. Kể từ đó tới nay, Savills đã không ngừng phát triển tại Việt Nam, cung cấp đầy đủ các dịch vụ bất động sản bao gồm nghiên cứu và tư vấn, căn hộ để bán, cho thuê thương mại, quản lý tài sản và đầu tư. Savills hiện nay có hơn 1.000 nhân sự tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, và TP. HCM.

Năm 2015 đánh dấu sự kiện quan trọng lớn đối với Savills Việt Nam khi Công ty kỷ niệm 20 năm hoạt động và phát triển trên thị trường Việt Nam. Trong sự kiện đặc biệt này, Savills công bố một nghiên cứu phân tích thị trường, bao gồm những sự kiện tiêu biểu của nền kinh tế - xã hội cũng như quá trình phát triển bất động sản trong suốt những năm vừa qua.

Nghiên cứu này cung cấp cái nhìn tổng thể về GDP, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), lượng kiều hối, lãi suất và cả những thay đổi về du lịch và dân số, trước khi đưa ra những điểm nổi bật về thị trường bất động sản, trong từng mảng thị trường.

Những yếu tố kể trên kết hợp với tiềm năng lớn mạnh của khu vực Đông Nam Á, cùng những triển vọng đến từ các thị trường mới nổi, tất cả đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầy thu hút đối với các doanh nghiệp.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản