Giá bất động sản giảm: Nhà thừa nhưng vẫn ế

Cập nhật 10/10/2013 15:13

Giá bất động sản (BĐS) đã giảm tới 40-50%, nguồn cung nhà ở dư thừa, ngân hàng hỗ trợ cho vay lãi suất siêu thấp... vẫn chưa đủ sức lôi kéo nhà đầu tư quay lại. Còn người có nhu cầu ở thực sự vẫn chờ đợi những sản phẩm giá rẻ, phù hợp với thu nhập ít ỏi.


Từ đầu năm đến nay, các chủ dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội liên tục tung chiêu khuyến mãi giảm giá, phí, hỗ trợ vay vốn… Nhiều căn hộ trước đây được chào bán trên dưới 2 tỷ đồng, giờ chỉ còn dao động từ 1,4-1,5 tỷ đồng/căn (diện tích 60-70m2), không mất "phí bôi trơn" mà khách hàng vẫn thờ ơ, quay lưng.

Niềm tin đã mất

Anh Quân (ở Hà Nội) đang có nhu cầu mua căn hộ ở khu vực phía Tây Hà Nội, vì thời điểm này nhiều dự án đã giảm giá tới 30-40%. Được giới thiệu 2 căn hộ tại dự án CT2 Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội), do Vinaconex 3 làm chủ đầu tư. Mức giá bán đưa ra khá mềm, chỉ 18 triệu đồng/m2, thấp hơn giá thị trường (dao động từ 18,7-19 triệu đồng/m2).

Với căn hộ diện tích 80m2, giá chỉ hơn 1,44 tỷ đồng, phù hợp và nằm trong khả năng chi trả của anh Quân. Nhưng khi xem thực tế dự án, anh Quân lắc đầu ngao ngán. Hai tòa nhà cao từ 17-21 tầng đã xây thô và cất nóc xong, nhưng không có dấu hiệu thi công. Cả công trường không một bóng công nhân, không máy móc thi công, cỏ mọc hoang vu. Phía cổng vào, một "cò đất" vẫn nhiệt tình tư vấn, mời chào khách hàng mua căn hộ dự án Trung Văn giá chỉ 1,4 tỷ đồng/căn.

Trong khi đó, một chủ đầu tư căn hộ cao cấp ở khu vực quận Cầu Giấy chia sẻ, đã bán được hết 100% dự án, giá trên 3 tỷ đồng/căn. Nhưng tòa nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện, mà nhiều khách hàng không chịu đóng nốt tiền, cũng không nhận bàn giao nhà. Hơn thế, để hỗ trợ khách hàng mới, chủ đầu tư đã "cắn răng" bớt lợi nhuận để giảm giá tới 600 triệu đồng mỗi căn. Thấy vậy, các khách hàng cũ lại kiện đòi ưu đãi, càng chây ỳ không nộp tiền.

Có sự hoài nghi của khách hàng là do thời gian qua, nhiều chủ dự án đã bội tín, chậm triển khai dự án, chiếm dụng tiền vốn huy động… Mới đây, nhiều khách hàng phải vây trụ sở, tố cáo Công ty quản lý BĐS Thế Kỷ lừa huy động vốn cho dự án Binh Đoàn 12 hơn 3 năm trước. Chủ dự án B5 Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) bị khởi tố, bắt giam vì sử dụng tiền góp vốn sai mục đích… Cay đắng hơn, khoảng 400 tỷ đồng góp vốn của hàng trăm người mua căn hộ cao cấp ở dự án Tricon Tower (Hà Nội) đã biến mất cùng ông chủ Edward Chi, mà dự án chưa rõ khi nào mới xong.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho rằng "niềm tin đã mất" chính là nguyên nhân đẩy thị trường "chìm sâu" vào khủng hoảng. Hàng loạt vụ bắt bớ lãnh đạo doanh nghiệp, khách hàng tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, dự án không có nhà để bàn giao… đã phản ánh những "góc khuất" xấu xí của thị trường BĐS thời gian qua.

Sẽ có nhà ở giá phù hợp

Nhằm "hâm nóng" thị trường và khôi phục niềm tin, từ ngày 18 đến 20/10/2013, Hiệp hội BĐS Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Phiên giao dịch bất động sản lần thứ 2. Tại phiên chợ này, sẽ có hơn 2.000 sản phẩm nhà ở xã hội, 1.500 nhà ở thương mại, BĐS riêng lẻ từ cao cấp đến bình dân được giới thiệu, chào bán. Về tính pháp lý của các sản phẩm, "dự án phải đảm bảo đủ điều kiện bán như đã xây xong phần móng, hoặc có đủ giấy tờ hợp lệ… mới được giao dịch tại đây", ông Cường nhấn mạnh. Với các BĐS riêng lẻ, yêu cầu phải có sổ đỏ, giấy tờ liên quan. Ban tổ chức đã thành lập một Tiểu ban pháp lý để xét duyệt hồ sơ, kiểm tra thực tế tiến độ thi công dự án.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh sàn giao dịch BĐS (G5), giá sản phẩm chào bán tại phiên chợ này sẽ ở mức hợp lý, chỉ từ 310 triệu đồng/căn trở lên với nhà ở xã hội, từ 13 triệu đồng/m2 với nhà ở thương mại. Các dự án đang hình thành cũng được giới thiệu với mức giá rẻ hơn trước tới 30%.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhấn mạnh: "Phiên chợ giao dịch BĐS lần này sẽ tập trung vào dòng sản phẩm có nhu cầu thực như nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Ngoài gói hỗ trợ 30.000 đồng, một số ngân hàng tham gia hội chợ sẽ dành các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp cho khách hàng".

Theo ông Thành, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là giải pháp đột phá, gỡ bí cho thị trường BĐS hiện nay. Nhưng cơ chế cho vay gói tín dụng này vẫn đang "vênh" với quy định cho vay của ngân hàng. Vướng mắc lớn nhất là về tài sản bảo đảm cho khoản vay, vì nhà ở xã hội chưa hình thành, nên chưa đủ điều kiện pháp lý để thế chấp, và sau 10 năm mới được bán. Nếu chính sách được tháo gỡ thì người dân có nhu cầu thực sự mới có thể sở hữu nhà ở xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh