Giá đất khu công nghiệp miền Bắc đạt đỉnh mới với 102 USD/m2/chu kỳ thuê trong quý 3, tăng 7,1% với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cầu chính cho đất công nghiệp vẫn là các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất ra ngoài Trung Quốc - đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Ảnh minh hoạ.
Báo cáo mới nhất của JLL tiếp tục ghi nhận việc hạn chế di chuyển trong thời kỳ bùng phát Covid-19 đã gây khó khăn cho việc thực địa dự án và gặp gỡ trực tiếp với các chủ đầu tư khu công nghiệp.
Tuy nhiên, nhu cầu đất công nghiệp vẫn giữ đà tăng trong quý 3/2020 vì Việt Nam vẫn là điểm đến thuận lợi cho các nhà đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh hạn chế này, ngày càng có nhiều nền tảng trực tuyến được đầu tư nhằm kết nối.
Ngoài ra theo chuyên gia JLL, vẫn còn một số giao dịch bắt đầu trước dịch và ký kết trong quý này, tất cả yếu tố trên đã thúc đẩy tỉ lệ lấp đầy trung bình khu công nghiệp các tỉnh miền Bắc, đạt 74% trong quý 3/2020.
Nguồn cầu chính cho đất công nghiệp vẫn là các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất ra ngoài Trung Quốc - đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao.
Trong khi đó, khách hàng chủ chốt cho nhà xưởng xây sẵn vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Số liệu của JLL cho thấy, giá đất khu công nghiệp miền Bắc đạt đỉnh mới với 102 USD/m2/chu kỳ thuê trong quý 3/2020, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ, dao động từ 4,1-5,2 USD/m2/tháng trong quý 3/2020, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo chuyên gia JLL, trong bối cảnh làn sóng đầu tư sắp tới, các tỉnh và thành phố phía Bắc đã lên kế hoạch thêm mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện có.
"Nhìn chung, nguồn cung đất ở miền Bắc dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực", chuyên gia JLL dự báo.
Trước đó, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, bất động sản công nghiệp vẫn nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới với kỳ vọng vào việc đón làn sóng dịch chuyển.
Tuy nhiên, để có thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI “sạch” và chất lượng trong bối cảnh mới, chuyên gia cho rằng việc đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện…
Một lưu ý khác cũng được đề cập tới đó là việc tăng giá thuê đất, kho xưởng một cách nhanh chóng, thiếu sự ổn định cũng gây cản trở lực hấp thụ của các khu công nghiệp. Để thu hút được những doanh nghiệp lớn kèm theo các doanh nghiệp phụ trợ thì chúng ta cần phải có quỹ đất sạch.
Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 5 năm 2020, cả nước có 561 khu công nghiệp, bao gồm cả các khu công nghiệp trong quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế có trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 201 nghìn ha (chiếm 0,6% tổng diện tích đất cả nước).
Trong đó bao gồm: 374 khu đã được thành lập với diện tích khoảng 114,4 nghìn ha (chiếm 56,9% tổng diện tích quy hoạch) và 259 khu chưa thành lập với diện tích khoảng 86,6 nghìn ha (bao gồm 55,8 nghìn ha của 187 khu công nghiệp có trong quy hoạch nhưng toàn bộ diện tích chưa thành lập và 30,8 nghìn ha của 72 khu mới thành lập một phần).
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí