Gây nứt nhà lân cận vẫn được thi công tiếp

Cập nhật 12/11/2008 01:00

Chủ đầu tư chỉ cần đóng tiền bảo chứng để bảo đảm thi hành phán quyết của tòa thì công trình được tiếp tục thi công.

Để gỡ vướng cho các chủ đầu tư xây dựng công trình khi lỡ gây lún, nứt công trình lân cận, quận Gò Vấp (TP.HCM) đặt ra thời hạn đình chỉ thi công là một tuần rồi cho thi công tiếp nếu không có lệnh tòa buộc ngừng thi công.

Quận Tân Bình thì đình chỉ thi công một tháng hoặc vài tuần tùy mức độ lún, nứt nhà lân cận. Trong khi nhiều quận, huyện khác lại đình chỉ thi công vô thời hạn nếu hai bên chưa giải quyết xong việc bồi thường. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn vấn đề này.

Không đình chỉ theo cảm tính

Lý giải cho việc các quận, huyện quyết định thời hạn đình chỉ thi công khác nhau, ông Hiệp cho biết Nghị định 180 quy định công trình gây sự cố chỉ được thi công trở lại cho đến khi bồi thường xong. Vấn đề nằm ở chỗ khi nào thì gọi là bồi thường xong, bồi thường về vật chất, về tinh thần hay thiệt hại về kinh tế.

Có trường hợp đã bồi thường thiệt hại về hư hỏng công trình nhưng các bên chưa thống nhất được thiệt hại về kinh doanh, thiệt hại tinh thần thì có được xem là bồi thường xong không? Chưa kể trường hợp các bên không thể thỏa thuận được do bên bị thiệt hại yêu cầu mức bồi thường quá cao thì giải quyết ra sao? Đó là những vấn đề luật chưa quy định rõ.

Theo ông Hiệp, nếu chỉ bằng mắt thường mà nhận định rằng công trình này gây hư hỏng không đáng kể nên chỉ bị đình chỉ một tuần, công trình kia gây lún nứt nguy hiểm hơn nên bị đình chỉ lâu thì rất cảm tính. Nguyên nhân sự cố, mức độ ảnh hưởng phải được đánh giá bằng kết quả kiểm định.

Còn cho thời hạn một vài tuần để các bên khởi kiện, sau thời hạn đó công trình đương nhiên được xây dựng lại mà không kèm biện pháp nào khác nữa thì không ổn. Trước tiên là gây tâm lý không tốt cho người có nhà bị ảnh hưởng.

Đồng ý là cũng có những người bị hại lại trở thành người gây thiệt hại cho công trình đang xây dựng do đòi hỏi quá đáng nhưng không thể đánh đồng ai cũng như ai. Quan trọng hơn là nếu công trình gây sự cố được thi công lại mà không có biện pháp an toàn thì rất nguy hiểm.

Trước nay, khi có sự cố về xây dựng thì sẽ giải quyết riêng lẻ từng công trình cụ thể và phải có ý kiến chấp thuận của TP. Chẳng hạn như cao ốc Sài Gòn Residences (quận 1) bị đình chỉ thi công hơn một năm qua sẽ được thi công trở lại sau khi Sở Xây dựng chấp thuận phương án thi công mới của chủ đầu tư. Cao ốc 14 Phan Tôn (quận 1) bị đình chỉ thi công hai năm qua cũng tương tự.

Chủ đầu tư được đi đường tắt

Tháng 3-2008, Sở Xây dựng đã kiến nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ cho công trình bị đình chỉ được thi công tiếp trong thời gian chưa đạt được thỏa thuận bồi thường. Còn việc thương lượng, bồi thường thiệt hại thuộc về quan hệ dân sự sẽ do các bên tự thỏa thuận hoặc kiện ra tòa.

Mới đây, Bộ Xây dựng ra Công văn 561 hướng dẫn cách giải quyết. Theo đó, nếu chủ đầu tư đề xuất được phương án thi công an toàn, không để sự cố tiếp diễn, không gây mất an toàn đối với các công trình lân cận khác, có tổ chức tư vấn thẩm tra, xác nhận thì được yêu cầu cơ quan chức năng cho tiếp tục thi công.

Quá thời hạn mà không được giải quyết, chủ đầu tư có quyền khởi kiện cơ quan chức năng ra tòa. Tòa sẽ phán quyết mức bồi thường thiệt hại. Khi đó, chủ đầu tư chỉ cần đóng tiền bảo chứng để bảo đảm thi hành phán quyết của tòa thì công trình được tiếp tục thi công.

>Xây nhà gây lún, nứt nhà hàng xóm: Bị đình chỉ thi công trong bao lâu?


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP