Gần 20 tỉ đồng xây ngôi trường to đùng giữa trung tâm quận 6, TPHCM. Nhưng sử dụng được 5 năm, thầy trò phải… tháo chạy. Nhiều năm qua, ngôi trường bỏ hoang hoá. Việc xử lý trách nhiệm lãng phí, vẫn chưa thấy gì.
Năm 2003, Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu (đường Hậu Giang, Q.6, TPHCM) được khởi công, trên diện tích đất 6.600m2, với quy mô 26 phòng học và nhiều hạng mục với tổng vốn đầu tư gần 20 tỉ đồng.
Ngày 1.9.2004, trường được nghiệm thu và đi vào hoạt động. Niềm vui học trong ngôi trường mới không được bao lâu, thầy trò trường Trần Văn Kiểu đã đứng ngồi không yên, khi hàng loạt dấu hiệu xuống cấp xuất hiện khắp nơi: Nền móng các lớp học lún sụt, tường xây nứt nẻ, sụt lở, nhiều vết nứt hở hàm ếch rộng từ 40 - 50cm...
Quá nguy hiểm, nên 6.2009, thầy trò trường Trần Văn Kiểu buộc phải... "tháo chạy", chuyển sang học tạm ở Trường THCS Nguyễn Văn Luông từ đó đến nay…
Theo ông Nguyễn Thế Mỹ - GĐ Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình, thuộc UBND quận 6: Từ tháng 5.2010, Sở Xây dựng TP đã mời các đơn vị liên quan đến khảo sát hiện trạng. Trước đó, tháng 9.2008, Ban quản lý dự án Q.6 đã gia cố chống lún… Tuy nhiên, các hạng mục vẫn tiếp tục hư hỏng nặng…
UBND TP đã cho UBND Q.6 tạm ứng ngân sách thuê đơn vị thi công sửa chữa... Kết quả kiểm định cho thấy: Các khâu từ thiết kế, thi công, tư vấn giám sát và quản lý đều có nhiều sai sót. Hệ thống móng cọc bị lún cục bộ là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự cố công trình.
Riêng khâu ép cọc, hồ sơ theo dõi có nhiều bất cập, số liệu thí nghiệm thử tải tĩnh cọc không đáng tin cậy, nhật ký công trình không hợp lý, đài cọc không đạt kích thước, cột - dầm - sàn không đạt cường độ thiết kế… Đáng nói, việc thi công và giám sát đều không đạt chất lượng nhưng chủ đầu tư vẫn ký nghiệm thu toàn bộ công trình.
Ngày 27.1.2014, báo cáo UBND TP và Sở Xây dựng, UBND Q.6 xác định trách nhiệm chính gây nên sự cố trên thuộc về các đơn vị: Thiết kế (Xí nghiệp tư vấn thiết kế Bình Phú), thi công (Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong), tư vấn giám sát (Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc và xây dựng TPHCM); và một phần trách nhiệm do chưa làm hết vai trò quản lý dự án của Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.6.
Tháng 1.2013, UBND TP chỉ đạo xử lý vụ việc. Các bên liên quan đã thống nhất đóng góp kinh phí khắc phục gần 6,5 tỉ đồng, theo tỉ lệ: nhà thầu thi công (45%); tư vấn thiết kế (25%); tư vấn giám sát (25%) và chủ đầu tư (5%).
Tháng 8.2014, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo sự vụ này một lần nữa. Thế nhưng, cho đến nay, “sự cố” vẫn… y nguyên.
Người dân đang mong UBND TPHCM có biện pháp xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức liên quan trong việc xây dựng ngôi trường, gây thiệt hại ngân sách gần 20 tỉ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động