Thị trường văn phòng cho thuê tại TPHCM nhìn chung đang bị ế khách dưới tác động của khó khăn kinh tế.
Hạng A cũng khó
Công ty Luật hợp danh DC đã giã từ cao ốc hạng A Sun Wah từ cuối quí 3-2008 để chuyển sang thuê một căn nhà trên đường Phan Kế Bính. Ông Lê Công Định, Giám đốc công ty, giải thích: “Diện tích văn phòng mới rộng gấp đôi nhưng giá thuê rẻ hơn đến... tám lần!”.
Mặc dù tỏ ra tiếc nuối những tiện ích và dịch vụ tại cao ốc cũ, nhưng ông cho biết “không có đường ở lại”. Ông thổ lộ: “Chúng tôi không thể kham nổi chi phí thuê văn phòng trong cao ốc vào thời điểm tái ký hợp đồng với mức giá chào thuê lên đến 75 đô la Mỹ/mét vuông mỗi tháng”.
Và không chỉ riêng Công ty Luật hợp danh DC, nhiều công ty khác cũng chọn giải pháp ra đi như vậy.Giám đốc tiếp thị của một cao ốc văn phòng cho thuê nổi tiếng tại trung tâm TPHCM cũng đã thừa nhận về tình trạng khách hàng đang lần lượt bỏ đi.
Theo một thông tin chưa thể kiểm chứng, một cao ốc văn phòng hạng A tại TPHCM đã mất đến 75 khách thuê trong vòng ba tháng vừa qua. Dù hiện tại, giá chào thuê văn phòng đang giảm từng ngày, mức giảm giá phổ biến tính đến thời điểm hiện nay vào khoảng 30-35% nhưng các chủ cao ốc dường như vẫn rất khó tìm được khách mới để... điền vào chỗ trống!
Trước tình hình này, giá chào thuê văn phòng hạng A ở khu trung tâm TPHCM đã giảm xuống dưới 60 đô la Mỹ/mét vuông, thậm chí có tòa nhà giảm xuống dưới mức 50 đô la/mét vuông. Với khách muốn thuê diện tích lớn giá chào còn thấp hơn nữa.
Có một điểm đáng lưu ý là vào thời điểm giữa năm ngoái, khi lạm phát trong nước tăng cao, các nhà môi giới chỉ cảnh báo nguy cơ ế khách và tụt giá đối với văn phòng hạng B trở xuống. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, khi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới bắt đầu ngấm sâu đối với các công ty đa quốc gia, thì các cao ốc văn phòng hạng A cũng bắt đầu thưa khách.
Đó là tình trạng ở các cao ốc hạng sang, nơi mà mọi dự báo từ cách nay ba bốn năm vẫn khẳng định là chúng sẽ còn đắt hàng, ít nhất là chục năm nữa, khi mà nguồn cung vẫn còn quá ít và quá chậm. Nói như vậy để có thể hình dung tình hình còn bi đát hơn ở những dự án đã “trót” chọn điểm rơi vào thời điểm hiện nay, nhất là đối với các tòa nhà hạng B, C hoặc... không có hạng.
Hạng B, C đang cố xoay xở
Một cao ốc văn phòng chưa hoàn thành
nhưng đã rao cho thuê - Ảnh: Lê Toàn.
Ảo vọng giá?
Có ý kiến cho rằng câu chuyện văn phòng ế ẩm hôm nay là kết quả của sự ảo vọng về giá của nhà kinh doanh. Một thời gian dài giá cho thuê cứ tăng lên mãi mà vẫn chưa thấy đụng trần! Trong khi các công ty môi giới ngày này qua ngày khác ca hoài cái điệp khúc “bất cân đối cung - cầu”, góp phần bơm căng thị trường và thổi phồng giá cả.
Một chuyên gia tiếp thị lâu năm trên thị trường này cho rằng bất cân đối cung cầu là có thật nhưng không phải cứ đầu tư tràn lan những dự án thiếu những điều kiện phát triển cơ bản là có thể giải quyết sự bất cân đối này.
Trên thực tế, một số chủ đầu tư dự án văn phòng sau những năm tháng thị trường sốt giá kéo dài đã trở nên hết sức chủ quan. “Họ không ý thức rõ một tòa cao ốc văn phòng cần thỏa những điều kiện tối thiểu nào, sản phẩm của mình nhắm đến khách hàng - họ là ai, khả năng tài chính đến đâu, mà chỉ cứng nhắc bám theo mức giá kỳ vọng của bản thân mình, nhưng thực ra đó là giá ảo”.
Bà cho rằng chính vì “sự mơ ngủ” này đã khiến nhiều chủ dự án không có được khả năng ứng biến kịp thời vào những lúc cần thiết, và sáu tháng cuối năm 2008 chính là thời điểm cần thiết có những ứng xử thông minh nhất.
Theo bà, lẽ ra, các chủ đầu tư cần có một chiến lược giảm giá sớm hơn, một chính sách khách hàng linh hoạt hơn để chí ít giữ được những khách thuê cũ thay vì cứ “treo giá lên mây” khi tái ký hợp đồng để rồi phải bỏ sàn trống không như hiện nay. “Giờ thì lâm vào tình trạng khách mới thì chưa thấy đâu, còn khách cũ đang teo tóp lại!”.
Quả thực, trong khi đi tìm hiểu, người viết bài này đã nghe được câu chuyện của một công trình văn phòng nho nhỏ ở đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3. Hồi đầu năm có người hỏi thuê toàn bộ diện tích hơn 1.400 mét vuông sàn với giá thuê 28 đô la Mỹ/mét vuông thì chủ dự án lại không thuận giá. Nay thì môi giới cho biết chỉ với mức giá thuê 22 đô la Mỹ/mét vuông thì mới hy vọng tìm được khách thuê.
Rõ ràng, nếu các chủ đầu tư sát thực tế hơn, thấu hiểu khách hàng hơn thì có lẽ, diện tích văn phòng trống không nhiều như hiện tại. Bên cạnh đó, sự kém linh hoạt trong chiến lược giá của thị trường phần nào bị phụ thuộc vào những dự án có vốn đầu tư nước ngoài vốn được xem là những dự án dẫn dắt thị trường.
Tại các dự án này, quyền quyết định không thuộc người quản lý tại chỗ mà thuộc tổng hành dinh ở nước ngoài. Những người chủ ở nước ngoài lại phụ thuộc nguồn tin bơm thổi (cũng có thể là do sự kém bén nhạy đối với thị trường bản địa) của các công ty môi giới đa quốc gia mà ngoài những công ty này ra, họ không biết có thể tin tưởng vào ai khác.
Thực ra, đối với những dự án đã khai thác nhiều năm với giá cho thuê cao trong thời gian qua, các chủ đầu tư đã thu hồi được vốn và có lãi. Tình hình thị trường tụt giảm hiện nay chỉ làm giảm phần nào khoản lợi nhuận. Mức độ thiệt hại nặng nề hơn thuộc về những chủ dự án đầu tư bằng vốn vay hoặc chưa kịp kinh doanh, chưa hoàn được vốn.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG