FDI vào bất động sản: Cuộc chơi của kẻ mạnh

Cập nhật 21/04/2014 08:19

Đầu năm nay, Sunwah Group, một công ty phát triển bất động sản Hồng Kông có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư tham gia một dự án tại quận Bình Thạnh, TP.HCM với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, trong đó Sunwah nắm 48%. Đây là dự án bất động sản thứ ba của tập đoàn này tại Việt Nam sau 2 dự án Sunwah Tower và Saigon Pearl.

Phối cảnh dự án căn hộ Riviera Point (quận 7) do Keppel Land làm chủ đầu tư. Ảnh: Tuyển Phan

Việc Sunwah đầu tư dự án mới tại Việt Nam đã nâng tổng vốn đăng ký FDI trong lĩnh vực bất động sản quý I năm nay lên 288 triệu USD, chiếm 8,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Ngoài dự án của Sunwah, còn có 5 dự án FDI khác đăng ký mới hoặc tăng vốn đầu tư. So với cùng kỳ năm ngoái, số dự án đăng ký mới nhiều hơn 1 dự án. Con số này dù còn khiêm tốn nhưng cũng cho thấy sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, khối này đã đăng ký đầu tư mới 23 dự án bất động sản so với chỉ 13 dự án của năm 2012.

Năm 2007-2008, khi thị trường bất động sản bùng nổ, dòng vốn FDI vào lĩnh vực này có lúc chiếm hơn 50% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều dự án trong số đó đã bị hủy bỏ, hoặc vẫn chỉ nằm trên giấy một phần do năng lực yếu kém của các chủ đầu tư. Nhưng lần này lại khác. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các dự án mới gần đây đều được đầu tư bởi những tên tuổi quen thuộc tại thị trường Việt Nam như CapitaLand, Chiaphua Group, Indochina Land hay Sembcorp.

Cuối năm ngoái, Keppel Land, chẳng hạn, đã liên doanh với Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển Doanh nghiệp đầu tư dự án Hà Nội Westgate với tổng vốn 140 triệu USD. Dù Keppel Land chưa công bố thông tin về dự án, nhưng theo một nguồn tin thân cận, công ty Singapore này đã cùng với đối tác trong nước tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng và thực hiện quy hoạch điều chỉnh chi tiết 1/500 để chuẩn bị thực hiện dự án.

Trong khi đó, Chiaphua Group (Hồng Kông) đã thông qua công ty con Jen Capital Việt Nam đầu tư một dự án mới tại TP.HCM. Năm ngoái, Indochina Land cũng đã đầu tư vào dự án Ehome của Nam Long và Sembcorp Development đầu tư dự án khu đô thị tại Bình Dương.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định và thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục là lý do cho sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. “Chắc chắn FDI vào bất động sản sẽ tăng lên trong thời gian tới”, ông dự đoán.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ sẽ háo hức rót vốn. Trong một báo cáo tài chính năm 2013 gửi cổ đông, Keppel Land cho rằng thị trường Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục rõ rệt. Theo Keppel Land, năm ngoái, Công ty đã bán được 170 căn hộ tại Việt Nam. Tính đến cuối tháng 2.2014, 73% trong tổng số 96 căn villa tại dự án Riviera Cove (quận 9) của Keppel Land đã có người mua. 43% số căn hộ Riviera Point (quận 7) và 90% số căn hộ giai đoạn 1 của dự án The Estella (quận 2) cũng đã được tiêu thụ trong cùng thời điểm.

Keppel Land nhận định năm 2014 và 2015 là thời điểm tung ra các dự án mới và giai đoạn mới của các dự án đã được xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên, công ty này cũng nhấn mạnh việc đưa vào sản phẩm mới sẽ phụ thuộc tín hiệu của thị trường. Điều này cho thấy sự thận trọng của Keppel Land.

Nhận định về diễn biến vừa qua, ông Griffiths, Savills Việt Nam, cho biết: “Các công ty phát triển bất động sản tốt vẫn sẽ phát triển nhờ vào sự hiểu biết của họ trên thị trường, cách họ phản ứng với sự thay đổi và biết phải làm gì để đáp ứng nhu cầu”.

CapitaLand, chẳng hạn, cách đây vài năm đã hướng vào phân khúc nhà thu nhập trung bình, với dự án đầu tay là PARCSpring (quận 2, TP.HCM), một dự án liên doanh với Khang Điền. Indochina Land cũng bắt đầu đi vào phân khúc giá rẻ hơn thông qua việc đầu tư vào dự án Ehome, khi phân khúc nhà cao cấp không còn nóng như trước nữa.

Sự chuyển hướng của các công ty này bước đầu đã đem lại kết quả. Tại PARCSpring, chỉ sau 2 tháng mở bán (tính từ tháng 12 năm ngoái), chủ đầu tư công bố đã có khoảng 100 căn hộ được mua và khách hàng cũng đã đặt cọc giữ chỗ cho nhiều căn hộ nữa.

Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nước ngoài nào cũng may mắn. Berjaya, chẳng hạn, giành được giấy phép cho 5 dự án tại Việt Nam trong giai đoạn 2007-2009 với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỉ USD, nhưng 3 dự án lớn nhất của công ty này vẫn còn nằm trên giấy. Và Công ty cũng phải từ bỏ dự án Khu Đô thị Nhơn Trạch tại Đồng Nai và giảm quy mô của dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam tại TP.HCM. Tại Hà Nội, một trong những dự án nằm bất động lâu nhất là Booyoung của Công ty Booyoung Vina (Hàn Quốc). Được cấp phép từ năm 2006, nhưng đến nay dự án này vẫn không hề rục rịch.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp cầu Đầu tư