FDI vào bất động sản: Chớ tham số lượng!

Cập nhật 03/02/2014 14:35

Theo các chuyên gia, cần có sự thanh lọc, chú ý đến hiệu quả thực của dòng vốn này đối với nền kinh tế, không nên tham số lượng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính đến 15/12/2013, vốn FDI vào lĩnh vực BĐS ở Việt Nam đứng thứ 3 trong các lĩnh vực được đầu tư, với 20 dự án đầu tư mới (tăng 10 dự án so với 2012), tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 951 triệu USD. Xét về lượng, vốn FDI vào bất động sản vẫn tăng trong mấy tháng gần đây, chứng tỏ BĐS vẫn có sức hút với nhà đầu tư ngoại, là điểm đáng mừng. Nhưng xét về chất, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo cần thận trọng đón nhận dòng vốn, tránh tình trạng chỉ chạy theo số lượng.

BĐS Việt Nam đang có sức hút nhà đầu tư ngoại

Theo ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn BĐS Savills Việt Nam tại Hà Nội cho biết, dòng vốn FDI vào bất động sản, cho đến thời điểm này, chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia...

Vốn FDI vào BĐS Việt ngày càng tăng

Trong số đó, nhà đầu tư Nhật Bản chỉ quan tâm đến các dự án chặt chẽ về sản phẩm, cao về chất lượng, nhưng số lượng không cần nhiều. Các nhà đầu tư Hàn Quốc lại thích số lượng và quy mô dự án. Còn các nhà đầu tư đến từ Singapore và Malaysia thích bất động sản đất ở. Một số đầu tư nhỏ khác đến từ Hồng Kông, Đài Loan có sở thích lại khác.

Theo một khảo sát của Savills Việt Nam, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang có sự quan tâm trở lại thị trường Việt Nam. Điều này là do Việt Nam đang ở đáy của chu kỳ thị trường bất động sản và các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn đón đầu thị trường khi nền kinh tế hồi phục. Đang có sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư Hàn Quốc nhắm đến việc mua những tài sản có dòng tiền ổn định như tòa nhà văn phòng, căn hộ dịch vụ và khách sạn.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, còn cho biết: Các nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam là điểm đến đầu tư trung và dài hạn. Bởi lẽ, thị trường bất động sản Việt Nam sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực, mang lại lợi thế về giá cả cho các nhà đầu tư quốc tế so với các thị trường lân cận như: Indonesia, Philippines và Malaysia.

Ông Trần Như Trung cho biết năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm tới bất động sản Việt Nam.

Phát tín hiệu cho dòng vốn FDI vào BĐS năm 2014, ngày 14/1 vừa qua, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô và Rose Rock Group (Công ty Đầu tư phát triển BĐS của Mỹ) đã ký một thỏa thuận hợp tác phát triển dự án nhà ở và khách sạn trị giá 2,5 tỷ USD tại vịnh Vũng Rô, Phú Yên.

Tránh tham số lượng...

Trước dòng vốn FDI ngày càng tăng vào BĐS, ông Trần Như Trung cho rằng: Dòng vốn FDI có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, không chỉ riêng lĩnh vực BĐS. Cần trân trọng dòng vốn này, không nên nhìn nó ở thuần túy ở khía cạnh là đồng đô la. Thay vào đó, theo ông Trung, nên chú ý đến chất lượng của nó. Đó là nhìn công nghệ, kỹ thuật vào Việt Nam theo dòng vốn này như thế nào. Vì hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có thống kê cụ thể về các yếu tố này. Do đó, theo ông Trung, chỉ chăm chăm nhìn vào số vốn đăng ký là một cách nhìn ấu trĩ.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh: Năm 2013, mục tiêu thu hút vốn FDI chỉ khoảng 13 - 14 tỷ USD và cao nhất là 16 tỷ USD, nhưng thực tế vượt xa, đạt tới gần 22 tỷ USD. Điều quan trọng hơn, trong số vốn FDI đó, đã có sự gia tăng các dự án có giá trị về khoa học công nghệ và tạo ra một giá trị xuất khẩu rất lớn. Các dự án này nằm trong lĩnh vực chế biến chế tạo chứ không phải là lĩnh vực bất động sản… Tức là đã giảm dần các dự án chúng ta không mong muốn.

Ông Trung cho rằng, Việt Nam cần có quy định về đăng ký chất lượng, đồng thời phải lượng hóa cụ thể xem dòng vốn FDI đó mang lại bao nhiêu công ăn việc làm, kỹ thuật gì, lợi nhuận, giá trị gia tăng thế nào cho Việt Nam.

Đánh giá lại giá trị mà vốn FDI mang đến cho Việt Nam thời gian qua, ông Trung khẳng định: Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã mang theo một cách chơi mới, luật chơi mới trong thị trường BĐS. “Nếu không có dòng vốn này, chúng ta không biết làm các khu resort, không làm khu nhà ở cao cấp... Bây giờ, các thương hiệu về BĐS ở Việt Nam đều đang có bán sản phẩm cao cấp. Tức là FDI mang vào các kỹ thuật có giá trị vô hình, nên được trân trọng”- ông Trung nhấn mạnh.

Về bản chất dòng vốn đầu tư vào BĐS, ông Trung so sánh: “Khi trình độ của ta bằng họ, vốn FDI giống như lên sàn nhảy. Nếu chỉ có 1-2 người nhảy thì không sôi động. Nhưng có nhiều người cùng lên sàn, nhất là có nhiều “ông to” vào và nhảy quyết liệt, cả sàn sẽ hưng phấn”.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thực sự của dòng vốn FDI vào BĐS, ông Trung đề nghị rằng, Việt Nam cần cố gắng chọn lọc, kiểm soát chất lượng, biết mời gọi dòng vốn tốt vào, “tránh tình trạng để các “ông to” vào nhảy gãy cả sàn. Vì hiện vẫn đang luẩn quẩn trong việc mong sao nhiều người mang vốn vào”.

Còn Tiến sĩ Alan Phan, người có nhiều kinh nghiệm đầu tư trên thị trường quốc tế, cảnh báo: “Theo quan sát của tôi, phần lớn dòng vốn FDI vào thị trường là của một số nhà đầu tư và vẫn có tính chất chộp giật. Đó là khi thấy có những mức giá đặc biệt, họ nhảy vào mua vì thấy cơ hội. Còn những nhà đầu tư lâu dài, chính quy với tầm nhìn ít nhất 10 – 15 năm, tôi không thấy”.

TS Alan Phan cho biết, bài học về sự chộp giật này đã từng xảy ra ở một số thị trường khác như tại Trung Quốc, Myanmar.... Và hiện nó cũng đang xuất hiện tại Việt Nam”.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV